Có thể thấy, trong thời đại ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, làm thay đổi cơ bản mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia. Đặc biệt, sự ra đời, phát triển của máy tính và mạng internet đã tạo nên những đột phá trong kết nối, chia sẻ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa.
Mối nguy hiểm từ tội phạm mạng
Với những ưu thế vượt trội, máy tính và internet tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nhờ có internet mà xã hội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Xã hội càng phát triển thì vai trò của máy tính và internet càng được thể hiện rõ hơn, con người khó có thể làm việc nếu như thiếu máy tính và internet.
Mã độc WannaCry đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của rất nhiều ngân hàng, bệnh viện, trường học. (Nguồn: blogspot) |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và đóng góp tích cực thì thế giới cũng đã và đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cá nhân, Nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới từ chính internet.
Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và là công cụ được sử dụng để can thiệp vào an ninh, ổn định của các quốc gia, các tổ chức. Trong thời gian vừa qua, trên thế giới đã có không ít cuộc xâm nhập, tấn công trái phép được cho là có tổ chức vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia và tổ chức trên môi trường mạng. Xu thế này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường.
An ninh mạng hiện không còn là câu chuyện về mất an toàn đối với những thông tin riêng tư cá nhân, dữ liệu kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, mà còn tác động nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia.
Theo các chuyên gia, do các kết nối mạng không phân chia biên giới nên các rủi ro trên không gian mạng sẽ không phân biệt biên giới quốc gia, không phân biệt giới hạn giữa các tổ chức. Điển hình như vụ lây lan mã độc tống tiền WannaCry hồi tháng 5 vừa qua, gây ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hệ thống mạng tại ít nhất 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mã độc WannaCry đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của rất nhiều ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300 - 600 USD.
Trong một báo cáo ngày 10/10, các chuyên gia Mỹ đã cảnh báo, Đại hội thể thao Olympic, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, chính là mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc và các đối tượng âm mưu phá hoại, với những hậu quả được dự báo là hết sức nghiêm trọng. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống tính tỷ số tại các địa điểm thi đấu, hoặc phát tán các thông tin nhạy cảm của các vận động viên.
Ngoài ra, hệ thống giao thông cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công mạng. Các vụ tấn công mạng kiểu này có thể khiến các trận thi đấu thể thao bị hủy, kéo theo những ảnh hưởng đối với các vận động viên hoặc khán giả… Một điều đáng quan tâm là cảnh báo này được đưa ra 4 tháng trước thềm Thế vận hội mùa Đông 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 25/2/2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Các nước tăng cường đối phó với tội phạm mạng
Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, cộng đồng quốc tế và nhiều nước trên thế giới đang tăng cường các biện pháp sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng.
Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi an ninh mạng là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung.
Mỹ đã thành lập Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ cũng như tấn công hệ thống của các quốc gia khác (trong trường hợp có chiến tranh). Liên minh châu Âu (EU) cũng như Anh, Nga đều có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng.
Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi an ninh mạng là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. (Nguồn: securecdn) |
Anh hiện cũng đã xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để đảm bảo an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua internet.
Mới đây, ngày 11/10, Chính phủ Anh đã đề xuất thêm việc đánh thuế đối với các trang mạng xã hội và các nhà cung cấp mạng Internet để hỗ trợ cho chiến dịch bảo vệ an ninh mạng của nước này nhằm giải quyết những vấn đề như các vụ bắt nạt, lạm dụng và những hành động phạm pháp khác nhằm vào trẻ em và những người sử dụng internet.
Động thái này của chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Theresa May đã chỉ trích các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và Google về việc không kiểm soát những thông tin có nội dung cực đoan. Thời gian qua, thủ tướng May đã phải nhiều lần yêu cầu những trang mạng này ngăn chặn việc đăng tải tràn lan những thông tin trên, đồng thời giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi những thông tin như vậy.
Trong khi đó, Đức cũng khẳng định nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng. Vì vậy, chính phủ Đức sẽ tăng cường các biện pháp đối phó, cũng như luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp hay các vấn đề tương tự. Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) có kế hoạch đầu tư khoảng 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới để thành lập "một đội trinh sát kỹ thuật" với khoảng 100 nhân viên.
Còn đối với Pháp, nước này đã triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2 tỷ USD và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới. Theo đó, Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin và lập trình để tăng cường khả năng bảo vệ, huấn luyện nhân viên hiện có, sử dụng công nghệ mạng để hỗ trợ tốt hơn cho quân đội Pháp.
Tại châu Á, nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công nghệ hàng đầu của mình trước các hoạt động tình báo công nghiệp.
Riêng đối với Hàn Quốc, để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Pyeongchang, chính phủ nước này đã cam kết đảm bảo an toàn cho sự kiện trọng đại này. Hàn Quốc hiện là nước đứng đầu chủ trì việc thành lập “Liên minh hỗ trợ an ninh mạng” (CAMP) với 34 quốc gia mới nổi như Nepal, Brazil, Uzbekistan, Moldova… nhằm tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh thông tin quốc tế.