📞

Thế giới 'thắt lưng buộc bụng', xuất khẩu Việt Nam lao đao

21:51 | 17/05/2023
Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN - những “điểm đến” chủ yếu của hàng Việt - đang tác động trực diện đến các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 4 tháng qua, doanh thu xuất khẩu dệt may giảm 19,3%, chỉ đạt 9,57 tỷ USD; xơ sợi dệt giảm 33,6%, chỉ đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 28,4 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng trong tình trạng suy giảm: EU giảm 14,1%; Nhật Bản giảm 0,9%; Hàn Quốc giảm 6,9%; Trung Quốc giảm 7,9%; ASEAN giảm 1,3%; châu Phi giảm 19,3%; châu Đại Dương giảm 7,4%...

Việc các thị trường chính giảm nhập khẩu đã tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng giảm 14,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể, thủy sản giảm 29,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm hơn 31%; giày dép giảm 16,3%; túi xách, ô dù giảm 10,3%...

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may đang đứng trước thách thức lớn khi lượng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm, doanh nghiệp gặp khó về vốn, dòng tiền, duy trì lực lượng lao động… Trong 4 tháng qua, doanh thu xuất khẩu dệt may giảm 19,3%, chỉ đạt 9,57 tỷ USD; xơ sợi dệt giảm 33,6%, chỉ đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD.

Ngay cả Bangladesh, quốc gia xuất khẩu dệt may đứng top 5 thế giới cũng chung cảnh ngộ. Theo Cục Xúc tiến xuất khẩu Bangladesh, tháng 4/2023, xuất khẩu dệt may của Bangladesh chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022, kéo kết quả xuất khẩu 4 tháng chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Cũng như Việt Nam, các quốc gia xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không thoát khỏi suy giảm xuất khẩu bởi người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…

Số liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho thấy, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 49,6 tỷ USD, do xuất khẩu chất bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc - giảm 41% so với cùng kỳ khi nhu cầu thị trường ở mức thấp, giá chip giảm mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2020, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 7 tháng liên tiếp.

Trong khi đó, chi tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận giảm trong tháng 3/2023 với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 12 do lạm phát kéo dài.

Tại Trung Quốc, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng giảm mạnh trong tháng 4, trong khi xuất khẩu tăng chậm lại, cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước vẫn ì ạch. Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu của nước này trong tháng 4/2023 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tháng 3/2023 giảm 1,4%.

Đối mặt với khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, sản xuất gián đoạn, các doanh nghiệp đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… cho biết, chưa bao giờ họ chật vật, khó xoay xở như lúc này.

Giảm đơn hàng, giá bán sợi lao dốc, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ chỉ đạt 288 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2023, giảm đến 55% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn ở mức 1,6 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp hơn 16 tỷ USD trong năm 2022, nhưng 4 tháng qua giảm 31% doanh thu xuất khẩu, mang về chưa đầy 3,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), các doanh nghiệp thuộc ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày không nên quá bi quan, mà cần chuẩn bị cho nhu cầu hồi phục trở lại của đơn hàng, dự kiến bắt đầu từ 2 quý cuối năm và năm 2024. “Nếu thối chí, buông tay, khi thị trường tăng trở lại, doanh nghiệp sẽ không kịp bắt nhịp”, ông Thành nói.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết, tỷ lệ lớn doanh nghiệp EU dự báo, lượng đơn hàng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Niềm tin này được củng cố khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã bước sang năm thực thi thứ 3 với nhiều thuận lợi về thương mại và hàng hóa được tăng ưu đãi.

Trong khi đó, thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt - bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn. Theo USABC, xu hướng giảm nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng tháng gần đây, lạm phát tại Mỹ đã tăng chậm lại, dù lĩnh vực công nghệ sa thải hàng chục ngàn nhân viên, nhưng các lĩnh vực sản xuất khác lại gia tăng tuyển dụng. “Khi người dân có việc làm, có thu nhập, sẽ thúc đẩy chi tiêu”, USABC nhận định.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang kỳ vọng thị trường sẽ “ấm” lên từ quý III và bình thường trở lại vào quý IV. Tuy nhiên, để gắng gượng tới lúc đó, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ để giữ chân lao động, bởi nếu không duy trì đội ngũ, khi đơn hàng trở lại, doanh nghiệp sẽ không có nguồn lực để phục hồi sản xuất, trả đơn hàng đúng hẹn.

“Dự báo, cơ hội phục hồi trở lại cho ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước là có và rất lớn. Vì vậy, các chính sách tháo gỡ khó khăn của Nhà nước, bộ, ngành cho các ngành sản xuất trong giai đoạn này cần nhanh và thực chất”, ông Vũ Tú Thành khuyến nghị.

Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, khi thị trường chưa phục hồi, việc cần giải quyết trước mắt là duy trì sự ổn định và sự sống cho các doanh nghiệp, đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiện tại, theo khảo sát, hàng trăm doanh nghiệp đang bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, có doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế hàng trăm tỷ đồng, nên gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

(theo Báo Đầu tư)