📞

Thể thao Việt Nam nhìn từ một năm đột phá: “Đỉnh” SEA Games của điền kinh và cơn địa chấn mang tên U.23

08:00 | 16/02/2018
Điền kinh lần đầu vượt Thái Lan để bước lên ngôi nhất tại SEA Games 29 với 17 lần đăng quang. Siêu kình ngư Ánh Viên tiếp tục là tuyển thủ xuất sắc nhất khu vực khi đoạt tới 8 Huy chương Vàng (HCV). Đội tuyển U.23 Việt Nam xuất thần đoạt ngôi Á quân tại Vòng Chung kết Châu Á, gây chấn động làng bóng đá quốc tế, làm nức lòng người hâm mộ cả nước... 

Đó là những điểm nhấn đặc biệt trong một năm thành công của thể thao Việt Nam, xuất phát từ sự thay đổi từ gốc rễ về cách nghĩ, cách làm, theo mục tiêu vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic của ngành thể thao.

Từ ngôi đầu lịch sử của điền kinh tại SEA Games 29

Ngay từ trước khi lên đường tham dự tranh tài tại SEA Games 29, ngành thể thao đã xác định rõ phấn đấu bảo vệ được hạng ba toàn đoàn, cũng có thể sẵn sàng chấp nhận hạng tư, song điều quan trọng nhất là phải dẫn đầu ở các môn Olympic.

Đây là một bước đột phá về nhận thức nếu biết rằng kể từ SEA Games 2013, việc đứng trong Top 3 toàn đoàn đã được mặc định là chỉ tiêu bắt buộc.

Sự thay đổi đó đã được minh chứng thuyết phục trên đất Malaysia, với những dấu son đặc biệt. Việt Nam có số HCV ở các môn Olympic nhiều thứ hai (thua Thái Lan 1 HCV) và có tỷ lệ HCV ở các môn Olympic cao nhất khu vực tới 88% (Indonesia xếp thứ 2 với 75%, Thái Lan cũng chỉ 69%).

Đặc biệt, Việt Nam đoạt tới 17 HCV điền kinh, để lần đầu tiên qua mặt Thái Lan (9 HCV), đứng đầu ở môn thể thao số một. Kinh ngư Ánh Viên là VĐV giành nhiều HCV nhất của Đại hội với 8 lần đăng quang. Rất đáng tự hào vì nếu tính điền kinh và bơi - hai môn cơ bản nhất của mọi nền thể thao, Việt Nam với tổng số 27 HCV mới chính là đoàn số 1 của khu vực.

Đáng kể hơn, thể thao Việt Nam còn có những thành quả đột phá khác trên đỉnh cao quốc tế, như cử tạ lần đầu đoạt tới 4 HCV giải vô địch thế giới hay điền kinh  lần đầu giành 2 HCV Giải Vô địch Châu Á rồi thể dục dụng cụ cũng lần đầu có 1 HCV Giải Vô địch Châu Á.

Những gì đã đạt được trong năm 2017 tiếp tục khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ cả về nhận thức và cách làm, mà điều mấu chốt nằm ở chỗ ngành thể thao đã mạnh dạn đầu tư vào những môn Olympic, ưu tiên cho những VĐV ưu tú, kể cả các tài năng trẻ, được tập luyện, đào tạo theo chuẩn quốc tế, dù kinh phí rất lớn. Kể từ năm 2017, ngành thể thao đã mạnh dạn phân cấp để đầu tư cho 70 tuyển thủ ưu tú với mức tiền công, dinh dưỡng lên tới 800.000 đồng/người/ngày. Chưa kể, họ còn được sử dụng thuốc chuyên dụng và thực phẩm thuốc, được ưu tiên tối đa trong việc xuất ngoại tập huấn thi đấu.

Đến kỳ tích lịch sử châu Á của đội bóng đá Nam U23

Trong năm 2017, lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam có tới 6 đội tuyển đoạt vé dự Vòng Chung kết Châu Á là Đội tuyển futsal nam, Đội tuyển quốc gia nam, Đội tuyển quốc gia nữ và các đội U.16, U.19, U.23.

Các cầu thủ U.23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng trong trận chung kết Giải Vô địch Châu Á Việt Nam- Uzberkistan ngày 27/1/2018 tại SVĐ Thường Châu, Trung Quốc.

U.23 Việt Nam chính là đội tranh tài đầu tiên, và đã thành công rực rỡ. Xét trên tổng thể, thành công rực rỡ của U.23 Việt Nam là sự kết đọng của hàng loạt yếu tố, trong đó thấy rõ là bước đột phá của mảng đào tạo trẻ, với nền tảng là mẫu hình, nổi bật như  Hoàng Anh Gia Lai, HN T&T, Viettel... Một lứa cầu thủ trẻ tài năng với những cái tên như Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải đã được phát hiện, đào tạo bài bản, tiếp cận chuẩn quốc tế. Trước đó, bóng đá trẻ cũng đã có một số trận đấu xuất sắc như lọt vào World Cup U.20, hay đứng trong nhóm đầu U.19.

Và yếu tố quyết định có lẽ nằm ở sự xuất hiện đúng lúc, với cái duyên và cái vận khó tin của ông thầy Park Hang Seo, từng là trợ lý Huấn luyện viên (HLV) Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, đội đứng thứ 4 World Cup 2002. Vị HLV từng có biệt danh “Park ngủ” ấy đã đóng vai người “đánh thức”, người “kích nổ” cho cuộc vượt ngưỡng của U.23 Việt Nam, trên một cái nền vững vàng, tiềm năng. Có thể nói không quá rằng,  HLV Park đã thổi vào từng thành viên của đội sự khát khao, niềm tự tin, ý thức kỷ luật, để rồi từ đó với cách làm riêng đã xây dựng nên một tập thể có sức chiến đấu và tinh thần quyết thắng cao độ, mà ở đó sức vươn của từng người được phát huy tối đa. Cùng đó, những điều chỉnh lớn nhỏ về thể lực, chế độ dinh dưỡng, chiến thuật của ông đã thực sự đắc dụng trong cả chiến dịch và  từng trận cụ thể.

Bài toán tăng tốc phát triển

Những chiến tích ngoạn mục của điền kinh, và nhất là đội bóng đá nam U.23 đã mang tới cho thể thao Việt Nam thời cơ có một không hai, cũng là thách thức lớn để tăng tốc trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đơn cử, điền kinh Việt Nam đã bá chủ sân chơi khu vực, song để nhắm tới đấu trường châu lục, trước mắt là Asian Games 2018 với mục tiêu lần đầu tiên có HCV, chứ chưa nói đến huy chương thế giới hay Olympic, còn phải phấn đấu rất nhiều. Những gương mặt xuất sắc, ví như nhà vô địch nhảy xa châu Á Bùi Thu Thảo hay “nữ hoàng tốc độ” Đông Nam Á Lê Tú Chinh không chỉ cần được tập trung đầu tư mà còn cần được đầu tư một cách chuyên biệt, giống như các ngôi sao quốc tế hàng đầu.

Hay bóng đá trẻ, trực tiếp là đội U.23, có thể sẽ không còn lo thiếu nguồn lực đầu tư. Dù vậy, họ có thể tiến được đến đâu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào “sức khỏe” chung của nền bóng đá còn quá phập phù, còn nhiều bất cập hạn chế. Trong đó, với một giải đấu như V.League chất lượng chuyên môn thấp, với  vấn nạn của căn bệnh  thành tích trước mắt, bạo lực sân cỏ, trọng tài, thậm chí còn tiêu cực có thể sẽ luôn là một nguy cơ. Các tài năng trẻ chẳng những thiếu điều kiện “thực chiến” để rèn giũa mà còn có thể bị thui chột, trong khi phải thừa nhận hành trình của họ còn dài phía trước. Nên nhớ một thủ môn khiến cả VCK U.23 nghiêng ngả như Bùi Tiến Dũng cũng chỉ đang là thủ môn số 3 của đội bóng nhà giàu, máu thành tích và mua sắm cầu thủ FLC Thanh Hóa.

Thực tế đã minh chứng thể thao Việt Nam từng có cú hích hay cú kích cầu không kém gì U.23, như cơn địa chấn Ánh Viên khi giành 8 HCV, 8 kỷ lục tại SEA Games 28 hay Xuân Vinh đoạt HCV kèm kỷ lục Olympic Rio lịch sử. Chỉ có điều, phải thẳng thắn thừa nhận, những gì chúng ta khai thác, tận dụng được từ đó là quá thấp, phần nào lãng phí. Hiệu quả và tác động đều chỉ mang tính tự phát.