Nhỏ Bình thường Lớn

Những trở ngại khiến Elon Musk chưa thể mua được Twitter

Tại một sự kiện được Bloomberg tổ chức vào ngày 21/6, tỷ phú người Mỹ Elon Musk cho biết, ông có một số "vấn đề chưa được giải quyết" khiến cho việc tiếp quản Twitter chưa thể hoàn tất.
Những vấn đề rắc rối khiến Elon Musk chưa thể mua Twitter
Tỷ phú Elon Musk chưa thể mua Twitter do một số trở ngại. (Nguồn: CNBC)

Theo nhận định từ CNBC, Musk sẽ cần vượt qua 3 trở ngại chính trước khi muốn hoàn thành thương vụ trị giá 44 tỷ USD này.

Xác thực tài khoản giả mạo

Đây là vấn đề được tỷ phú Musk nhắc đến rất nhiều lần trong thời gian qua. Ông bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với thông tin chính xác về số lượng tài khoản giả mạo tồn tại trên nền tảng mạng xã hội này.

Trong một báo cáo tài chính hằng quý, được công bố vào ngày 28/4, Twitter ước tính rằng, các tài khoản giả mạo chỉ chiếm ít hơn 5% người dùng hoạt động trên nền tảng của họ trong 3 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Musk cho rằng, có ít nhất 20% tổng số tài khoản giả mạo trên Twitter. Đây là con số ước tính thấp nhất theo phương pháp tính toán của vị tỷ phú.

Thậm chí, vào đầu tháng 6, ông còn cho biết bản thân có thể từ bỏ thương vụ mua lại Twitter. Nguyên nhân là Musk tin rằng, Twitter đang vi phạm thỏa thuận khi không cung cấp đầy đủ thông tin về các tài khoản giả mạo và spam.

"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một giải pháp về vấn đề đó. Đây là một vấn đề rất quan trọng", Musk nói.

Dù vậy, Bret Taylor, Chủ tịch Hội đồng quản trị độc lập của Twitter, cho biết, ban lãnh đạo công ty vẫn "cam kết thực hiện giao dịch theo các điều khoản đã thỏa thuận".

Các khoản vay tài chính

Vào tháng 5, Musk cam kết sẽ trả 33,5 tỷ USD tiền mặt để đáp ứng cho thỏa thuận này. Phần còn lại sẽ được ông thanh toán sau khi thu xếp một số khoản nợ.

Theo ước tính từ Forbes, khối lượng tài sản của Musk hiện ở mức 218 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn chúng gắn liền với cổ phiếu Tesla, nên tính thanh khoản của khối lượng tài sản này tương đối hạn chế.

Theo một số nguồn tin, Musk đã thảo luận để thu xếp khoản góp vốn trị giá 2-3 tỷ USD từ một nhóm các công ty cổ phần do Apollo Global Management dẫn đầu. Điều này nhằm giảm bớt các khoản đóng góp bằng tiền mặt cho vị tỷ phú. Tuy vậy, các cuộc trao đổi vẫn đang được giữ kín cho đến khi quá trình mua lại được tiếp diễn.

Vào tháng 4, Musk đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 8,5 tỷ USD, sau khi đạt được thỏa thuận mua lại Twitter. Bên cạnh đó, ông cũng huy động được 7,1 tỷ USD từ một nhóm các nhà đầu tư để giảm bớt gánh nặng góp vốn.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong thỏa thuận mua lại Twitter cũng gây áp lực cho kế hoạch của các ngân hàng.

Trước đó, một số ngân hàng đã đồng ý cung cấp khoản vay 13 tỷ USD cho Musk. Các nguồn tin cho biết những ngân hàng này sẽ khởi động lại quá trình sau khi thương vụ có chuyển biến tích cực.

Sự chấp thuận của cổ đông

Rào cản cuối cùng mà Musk cần vượt qua để hoàn thành thương vụ này là sự chấp thuận từ các cổ đông của Twitter. Dự kiến, các nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu để đưa ra biểu quyết về thương vụ này vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Theo thông tin từ một hồ sơ pháp lý, ban giám đốc của công ty truyền thông xã hội đã khuyến nghị các cổ đông của họ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất bán Twitter với giá 44 tỷ USD.

"Hội đồng quản trị xác định rằng thỏa thuận hợp nhất được khuyến khích và việc sáp nhập cũng như các giao dịch khác được đề cập trong thỏa thuận sáp nhập là công bằng, tích cực và vì lợi ích tốt nhất cho Twitter cũng như các cổ đông", thông tin từ hồ sơ cho biết.

Elon Musk có thể gây ra thảm họa sau khi mua Twitter

Elon Musk có thể gây ra thảm họa sau khi mua Twitter

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng những thay đổi của Elon Musk đối với Twitter có thể khiến nền tảng này xuất hiện ...

Twitter cấm quảng cáo có nội dung phủ nhận biến đổi khí hậu

Twitter cấm quảng cáo có nội dung phủ nhận biến đổi khí hậu

Ngày 22/4 - trùng với Ngày Trái đất, Twitter tuyên bố cấm các quảng cáo gây hiểu lầm về biến đổi khí hậu trên nền ...

(theo Dân trí)