Cuộc chiến cáp ngầm sẽ còn tiếp tục trong những năm tới khi Mỹ và Trung Quốc tranh giành sự ảnh hưởng trong kỷ nguyên số. (Nguồn: Adobe Stock) |
Các tuyến cáp ngầm dưới biển đã gây chú ý vào đầu năm nay - sau khi 4/15 tuyến cáp ngầm quan trọng ở Biển Đỏ - bị cắt trong bối cảnh phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các tàu của Mỹ và Anh.
Mối lo ngại về cáp ngầm dưới biển đã tăng lên và những mạng lưới cáp này được dự đoán trở thành nguồn gây căng thẳng mới trong quan hệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh các cam kết địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng lên.
"Xương sống" của Internet toàn cầu
Theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeometry, tổng cộng có hàng trăm sợi cáp viễn thông khổng lồ trải dài gần 1,4 triệu km được đặt dưới biển.
Số lượng cáp ngầm dưới biển trên khắp thế giới dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về lưu lượng dữ liệu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của dịch vụ truyền phát video.
Tính đến đầu năm 2024, TeleGeometry cho biết, dữ liệu của họ đã theo dõi 574 tuyến cáp ngầm dưới biển đang hoạt động và sắp hoạt động.
Cáp ngầm dưới biển là "xương sống" của Internet toàn cầu, vận chuyển 99% lưu lượng dữ liệu xuyên lục địa của thế giới.
Andy Champagne, Giám đốc công nghệ của Akamai Labs nhận định: “Nếu bạn đã gửi e-mail, nhắn tin hoặc trò chuyện video với ai đó ở lục địa khác, bạn đã sử dụng cáp ngầm.
"Khi có tuyến cáp bị đứt, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chuyển lưu lượng sang các tuyến khác và chắc chắn việc này sẽ gây ra tắc nghẽn ở mức độ nào đó. Đặc biệt, sẽ có hiệu ứng domino (phản ứng chuỗi) ảnh hưởng đến mạng lưới cáp trên đất liền", ông nhấn mạnh.
Trung Quốc không còn giữ ngôi vị hàng đầu
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng được xem là trung tâm của các mạng lưới cáp biển trong tương lai và góp phần hình thành huyết mạch lưu thông dữ liệu quốc tế.
Trung Quốc đã nổi lên như một siêu cường kinh tế cạnh tranh với Mỹ và hiện sản sinh và tiêu thụ một lượng lớn dữ liệu. Hơn 15 tuyến cáp ngầm dài hơn 1.000 km, tất cả đều được đưa vào sử dụng từ năm 1994, nối Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
China Mobile và các doanh nghiệp quốc doanh khác của đất nước đã dẫn đầu các dự án xuyên Thái Bình Dương và các dự án khác, đôi khi cùng tài trợ cho dự án của các công ty Mỹ.
Tình thế bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2020, khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã đưa ra sáng kiến “mạng sạch” để loại các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông.
Kể từ đó, Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh với lý do cần phải đảm bảo an ninh dữ liệu.
Sẽ có một cuộc chiến tranh lạnh dưới biển giữa Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Nguồn: AFP) |
Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã kêu gọi Google và Meta xem lại kế hoạch lắp đặt tuyến cáp ngầm dài 13.000 km giữa Los Angeles và Hồng Kông. Dự án đã ở giai đoạn cuối, nhưng hai gã khổng lồ công nghệ đã nhanh chóng quyết định loại bỏ điểm đến Trung Quốc và dừng tuyến cáp ở Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.
Không chỉ thế, một dự án cáp biển do Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn dắt dành cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng đã “từ chối” các công ty Trung Quốc, để làm hài lòng các nhà lập chính sách ở Washington.
Sự hiện diện của Trung Quốc trên các hệ thống cáp biển cũng đang mờ đi nhanh chóng. Ba tuyến cáp quốc tế kết nối đất nước này với Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2025.
Sau năm 2026, Bắc Kinh không có kế hoạch lắp đặt bất kỳ tuyến cáp ngầm mới nào
Trong khi đó, nhu cầu về lưu chuyển dữ liệu giữa Mỹ và châu Á nhìn chung vẫn mạnh, với 4 tuyến cáp đến Nhật Bản và 7 tuyến cáp đến Singapore dự kiến thực hiện sau năm 2024.
Ngoài ra, còn có 9 tuyến cáp sẽ được kết nối giữa đảo Guam của Mỹ với Đông Nam Á. Như vậy, có đến 16 tuyến cáp quang biển được xây dựng Mỹ và Đông Nam Á.
Chiến tranh lạnh dưới biển?
Không chỉ thế, nhiều dự án cáp ngầm quốc tế dưới biển cũng được cho là đang tìm cách tránh Trung Quốc do lo ngại về an ninh dữ liệu và ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh.
Giới chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh mức tiêu thụ dữ liệu của Trung Quốc ngày càng tăng thì các dự án cáp ngầm mới đang giảm dần. Điều này phản ánh sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Alan Mauldin, Giám đốc nghiên cứu của TeleGeography nói với Nikkei Asia: "Sẽ có một cuộc chiến tranh lạnh dưới biển giữa Mỹ và Trung Quốc".
Cây bút kỳ cựu NC Bipindra chuyên mảng địa chính trị, quốc phòng, ngoại giao của tờ The EurAsian Times cũng khẳng định: "Cuộc chiến cáp ngầm sẽ còn tiếp tục trong những năm tới khi hai siêu cường tranh giành ảnh hưởng trong kỷ nguyên số.
Khi Internet trở thành công cụ ngày càng quan trọng cho mọi lĩnh vực, từ thương mại đến an ninh, việc kiểm soát các tuyến cáp ngầm có khả năng sẽ trở nên quan trọng hơn".