📞

Thị thực vàng Hy Lạp hút hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc

Minh Nhật 07:40 | 11/11/2019
TGVN. Và hơn thế nữa, những nhà đầu tư Trung Quốc và gia đình đang thực sự tận hưởng một cuộc sống ở miền đất mới, thậm chí còn có "cảm giác như đang trở về nhà".
Hy Lạp đang tuyệt vọng tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: AFP)

Theo chương trình đầu tư định cư của Hy Lạp, những công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) khi đầu tư khoảng 275.000 USD vào lĩnh vực bất động sản thì công dân đó và thành viên gia đình sẽ có được thị thực vàng thường trú tại đất nước này. Thị thực vàng Hy Lạp được gia hạn 5 năm mỗi lần với điều kiện vẫn còn sở hữu bất động sản. Sau 7 năm sống tại đất nước này, nhà đầu tư có thể lấy quốc tịch Hy Lạp.

Giải pháp cứu vãn thị trường bất động sản

Cuộc suy thoái kinh tế hàng thập kỷ đã khiến thị trường bất động sản nước này rơi xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian dài. Hy Lạp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất thực hiện chương trình này. Nhiều năm trước, các thành viên khác của EU như Bồ Đào Nha, Síp, Tây Ban Nha đã thực hiện chương trình cấp thị thực vàng.

Năm 2013, khi chương trình vừa ra mắt, Hy Lạp đã cấp hơn 3.400 thị thực vàng và đến năm 2018, con số này đã tăng lên khoảng 5.300 (khoảng 46%). Các hồ sơ đăng ký đầu tư ngày càng tăng, thậm chí gây ứ đọng trong việc thụ lý hồ sơ.

Theo các dữ liệu thống kê, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD vào Hy Lạp theo chương trình thị thực vàng này. Những năm gần đây, làn gió đầu tư lấy thị thực vàng Hy Lạp của các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng tăng. Ngân hàng trung ương ước tính, năm 2018 là khoảng 520 triệu USD đến nửa đầu năm 2019, con số này đã là gần 500 triệu USD, trong khi đó, năm 2017, con số này chỉ là hơn 80 triệu USD.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp đã phê duyệt dự luật cho phép các nhà đầu tư chuyển số tiền 275.000 USD một cách dễ dàng hơn, trong khi Trung Quốc kiểm soát vốn một cách nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Bộ Phát triển và Đầu tư Adonis Georgiadis cho biết, các ngân hàng Hy Lạp áp dụng nhiều nhóm hạn mức giao dịch không vi phạm pháp luật Hy Lạp hoặc EU. Tuy nhiên, hạn mức này sẽ có vấn đề nếu điều đó vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Tận hưởng cuộc sống mới

Các chuyên gia cho rằng, người Trung Quốc không còn quan tâm nhiều về việc sống tại Hy Lạp là có thể đi lại tự do trong khu vực Schengen. Hiện tại, những nhà đầu tư Trung Quốc và gia đình đang thực sự tận hưởng một cuộc sống ở miền đất mới.

“Có rất nhiều căn hộ ở Athens và khu ngoại ô do người Trung Quốc sở hữu, tạo nên khu phố của người Trung Quốc”, Anny Averageouli, nhà quản lý chính sách di cư của một công ty luật tại Hy Lạp cho biết.

Ba năm trước, nhà đầu tư Trung Quốc Jiang Rungong cùng vợ và con trai đến Hy Lạp cho biết, họ rất thích không khí ở đây và đang sống rất hạnh phúc trong căn nhà bên bờ biển ở Athens. Di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc đã khiến họ quyết định lựa chọn Hy Lạp.

Con trai của họ, Jiang, 18 tuổi học tiếng Hy Lạp trong vòng 2 năm và hiện đang theo học một trường công lập của Hy Lạp và mơ ước trở thành công dân Hy Lạp.

“Kể từ khi có thị thực, chúng tôi có thể đến nhiều nước châu Âu một cách tự do. Khi đặt chân đến sân bay ở Hy Lạp, chúng tôi cảm giác như đang trở về nhà”, Jiang nói.

Tuy nhiên, Bỉ lo lắng về chương trình thị thực vàng đang được triển khai. Trong báo cáo hồi đầu năm, Ủy ban EU đã cho biết Síp, Bulgaria, Malta phản đối việc những người giàu có sử dụng quyền cư trú hoặc quyền công dân để không phải kiểm tra an ninh và lý lịch.

Dường như Hy Lạp đang liều lĩnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và không muốn bỏ lỡ một nguồn thu lớn của đất nước. Ngân hàng Hy Lạp cũng cho biết chương trình này đang góp phần kích thích thị trường bất động sản vốn kém phát triển trước đây.

Hơn một thập kỷ qua, quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và Hy Lạp ngày càng phát triển, đặc biệt vào năm 2008, công ty vận tải biển Cosco của Trung Quốc đã mua lại 2 bến bốc xếp container tại cảng Piraeus trong 35 năm. Năm 2016, Cosco đã tiếp quản quyền quản lý nhà điều hành cảng Piraeus và bến container còn lại đến năm 2052. Hy Lạp cũng đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.

(theo AFP)