📞

Thị trường các nước đang phát triển: Phục hồi?

10:56 | 28/08/2009
Trượt dốc không phanh trong hơn một năm qua, nay thị trường chứng khoán các nước đang phát triển đang chứng kiến một làn sóng lạc quan đến từ tâm lý về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kỳ vọng vào Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil.... Tất nhiên, còn lâu thị trường mới đạt được mức đỉnh cao trước đây, nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ, nhất là so với Mỹ hay châu Âu.

Chỉ số Nifty của Ấn Độ đã lên 64% trong ba tháng qua. Trong khi đó CSI 300 của Thượng Hải và Thâm Quyến cũng lên 37%, Bovespa của Brazil đã có thêm 41%...

G. Pangaro, ở Quỹ chứng khoán thị trường mới nổi T. Rowe Price, nhận xét: “Mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng mặc dù có nhiều vấn đề, thị trường vẫn xử lý được những khó khăn”. Thậm chí nhiều nhà phân tích còn cho rằng, việc chỉ số S&P 500 tăng gần đây một phần do nhà đầu tư tin tưởng kinh tế Trung Quốc đang khá lên. Không chỉ Trung Quốc lạc quan, nhiều số liệu kinh tế cũng rất khả quan ở các nước đang phát triển. Tại Ấn Độ doanh số bán xe ôtô đã vọt lên, tương tự doanh số bán lẻ tại Brazil.

Liệu có quá sớm để vui mừng?

Giá cổ phiếu thuộc chỉ số Nifty hiện gấp 20 lần lợi nhuận ròng, đối với các mã của chỉ số Bovespa là 29 lần và 21 lần đối với CSI 300. Nếu lạc quan, có thể cho rằng tỷ lệ P/E này phản ánh tâm lý nhà đầu tư sẵn sàng tiếp tục mạo hiểm, điều này thường sẽ kéo theo triển vọng tốt và tạo niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế các nước này. Nếu thận trọng thì hoàn toàn có thể cho rằng, tỷ lệ cao như vậy có nghĩa là nền kinh tế phải tăng trưởng ít nhất hai chữ số mới có thể đảm bảo được, vậy có phải một bong bóng mới đang được hình thành?

Thị trường các nước mới nổi thường dao động mạnh hơn so với các thị trường phát triển. Trong khi đó cả bốn nước thuộc khối BRIC đều phải đối mặt với những điểm yếu có thể cản trở phục hồi.

Xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài là hai nguồn động lực phát triển quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển, cho tới thời điểm này vẫn chưa hồi phục. Đầu tư từ các chính phủ đã cố gắng bù đắp lại phần nào, tuy nhiên với việc lạm chi ngân sách ngày càng lớn, có thể để lại hậu quả và các chính phủ cũng khó có thể kích thích thêm nữa. Đầu tư cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện. Vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán những tháng gần đây đã nhiều hơn so với lượng rút ra.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay. Một số nhà kinh tế lạc quan cho rằng Ấn Độ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 7,5%, trong khi WB chỉ dừng lại ở con số 4%.

Tại Trung Quốc, sản lượng công nghiệp đã bắt đầu phục hồi, nhập khẩu hàng tiêu dùng bắt đầu tăng. Tuy nhiên, những kết quả này chủ yếu đạt được tại các khu vực được hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế. Xuất khẩu vẫn còn phải vật lộn với khó khăn.

Hầu hết các ngân hàng trung ương các nước trong khu vực đều giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, nhưng một số nước như Philippines vẫn tiếp tục hạ lãi suất nhằm đối phó với việc xuất khẩu giảm.

Indonesia đến nay vẫn tránh được khủng hoảng nhờ thị trường nội địa mạnh, ít phụ thuộc xuất khẩu, đồng thời hưởng lợi từ việc nhu cầu nước ngoài đối với các nguồn nguyên liệu tự nhiên của nước này tăng.

Các thị trường Đông Á cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau khi xuất khẩu đã trượt dốc thảm hại. Sản lượng công nghiệp Brazil cũng đã tăng trở lại, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn nhiều nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ nước này dự đoán kinh tế sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, giảm so với dự đoán 3,5%. Người ta cho rằng, nếu Brazil có suy thoái thì thị trường chứng khoán nước này vẫn tăng mạnh do nhà đầu tư đã lấy lại được niềm tin.

Anh Minh (Theo New York Times)