📞

Thị trường chứng khoán 2017: Tín hiệu tích cực

14:51 | 26/12/2016
Tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2017 dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Vốn ngoại đổ vào nhiều nhất trong 5 năm qua

Tính từ đầu năm tới nay VN-Index đã tăng gần 15%. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), vốn hóa thị trường đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% GDP, tăng 40%. Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.888 tỷ đồng/phiên, tăng 39% cuối năm 2015.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm tới. (Nguồn: Prism)

2016 cũng là năm TTCK khoán có nhiều biến động do chịu tác động từ những sự kiện trong và ngoài nước, như việc Anh rời EU, bầu cử Tổng thống Mỹ, dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) cao kỷ lục, hoạt động thoái hết vốn tại một loạt doanh nghiệp lớn…

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng, về cơ bản thị trường đạt được kết quả tích cực và đứng trong 5 nước có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Huy động vốn đạt 348.000 tỷ đồng, tăng 54%, mức tăng kỷ lục. Tháng 10 và 11 khối ngoại rút ròng tương đối lớn nhưng sang đầu tháng 12 dòng vốn nước ngoài đổ vào cả trái phiếu và cổ phiếu đã tăng nhẹ trở lại. Tính chung cả năm, dòng vốn nước ngoài vào TTCK nhiều nhất trong 5 năm qua.

Mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, dòng vốn đảo chiều, tổng danh mục đầu tư đạt trên 17 tỷ USD được xem là con số tích cực với TTCK Việt Nam, minh chứng cho việc cộng đồng thế giới nhìn nhận những cải cách, đổi mới kinh tế và TTCK trong nước, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) nhận định.

Đáng chú ý, năm 2016 cũng ghi nhận hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn diễn ra sôi nổi với những kết quả thành công vượt mong đợi. Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước qua TTCK đạt 30.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong vòng 20 năm qua, chỉ đứng sau mức 50.000 tỷ đồng đạt được trong năm trước.

“Đây là dòng vốn “tiền tươi thóc thật”, bổ sung hỗ trợ cho thị trường. Riêng đợt thoái vốn Vinamilk đã giúp thu về 500 triệu USD hỗ trợ tỷ giá và sức cầu thị trường”, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết. Việc bán vốn thành công tại Vinamilk chính thức “mở hàng” cho quá trình thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ theo yêu cầu của Chính phủ.

2017 - tạo tiền đề phát triển

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm tới. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được nhìn nhận như một điểm đến tiềm năng cho rất nhiều tổ chức tài chính, nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự đoán, năm tới TTCK sẽ có nhiều yếu tố tích cực. Khả năng tăng trưởng kinh tế tốt hơn năm nay, dự kiến GDP đạt khoảng 6,5 - 6,7%. Một số chính sách của ngân hàng sẽ linh hoạt và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn. Chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục được định hướng linh hoạt hơn. Các yếu tố vĩ mô này sẽ là yếu tố quan trọng thuận lợi duy trì động lực phát triển cho TTCK và nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu hiện đã đến giai đoạn kết lại để có đối sách tháo gỡ về cơ chế. Các chuyên gia cho rằng, nếu xử lý được nợ xấu, dòng vốn khơi thông thì doanh nghiệp tốt hơn, TTCK tốt hơn. Khi TTCK tốt hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Việc cổ phần hóa gắn với niêm yết năm tới được đẩy mạnh cũng là điểm thuận lợi đối với TTCK. Nhiều doanh nghiệp sẽ niêm yết trên TTCK không chỉ giúp tăng nguồn cung mà còn mang tới hàng hóa chất lượng cao.

Khó khăn của TTCK trong năm tới gồm sự lên giá của đồng USD và lãi suất VNĐ, diễn biến tăng lãi suất của Mỹ và sự dịch chuyển dòng vốn ngoại, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng Giám đốc VFM nhận định. Bên cạnh đó, do thị trường đã tăng trưởng nhiều năm, dư địa năm 2017 không còn nhiều như những năm vừa qua. Do vậy, TTCK 2017 không biến động mạnh nhưng có mức phát triển tạo tiền đề cho các năm sau.

Ông Vũ Bằng cho biết, trong năm 2017, UBCKNN sẽ tiếp tục phát triển thị trường theo chiều sâu và kiên trì tái cấu trúc thị trường. Cụ thể, tập trung xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung. Đây cũng là điểm thuận lợi của TTCK trong năm tới, gỡ được dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với Luật Đầu tư.

Bước đầu, Luật có thể thay đổi theo hướng coi doanh nghiệp có trên 60% vốn nước ngoài mới là nhà đầu tư nước ngoài. Luật mới cũng dự kiến bổ sung thẩm quyền điều tra, tiếp cận tài khoản của UBCKNN để xử lý các sai phạm của các thành viên trên thị trường.

Đồng thời, triển khai đưa vào vận hành TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu và các sản phẩm mới, song hành cùng việc tăng cường hội nhập quốc tế, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng TTCK.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CT Chứng khoán Sài Gòn (SSI): "Năm 2017 sẽ là năm khó khăn nếu nhìn theo hướng kỳ vọng vào dòng vốn ngoại. Với chính sách đồng USD mạnh và chính sách phản đối toàn cầu hóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì các nền kinh tế và thị trường chứng khoán của các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, việc FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016 và dự kiến có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017 sẽ khiến cho áp lực rút vốn của khối ngoại diễn ra rất nhanh.

Vậy thị trường chứng khoán 2017 sẽ sống bằng nội lực? Năm 2017 nền kinh tế phát triển sẽ dựa vào nội lực, thị trường trong nước với 90 triệu dân sẽ bù đắp thâm hụt và nâng đỡ thị trường xuất khẩu. Với thị trường chứng khoán, vốn ngoại chủ yếu đến từ các nhà đầu tư chiến lược sẽ chỉ tìm đến các công ty cụ thể phù hợp với tiêu chí đầu tư lâu dài hoặc mục tiêu của từng nhà đầu tư. Dòng vốn ngắn hạn sẽ bị hạn chế đầu tư vào thị trường như Việt Nam và sẽ tăng khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào thị trường đang nổi (MSCI Emerging Market)".

(theo daibieunhandan.vn)