Nhà đầu tư ôm cổ phiếu midcap 'khóc ròng'. (Ảnh chụp màn hình) |
Thị trường vẫn chưa thể thoát ra khỏi xu thế chốt lời ngắn hạn trong quá trình VN-Index chinh phục 1.300 điểm. Chỉ số chính giằng co và rung lắc rất mạnh, phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn trong tình trạng giảm giá.
Cụ thể, có 530 mã giảm, 11 mã giảm sàn so với 383 mã tăng, 55 mã tăng trần. Tiền vẫn đang chủ yếu hướng vào cổ phiếu VN30, tập trung tại một số mã ngân hàng, thép… do đó, sự phân hóa trên thị trường rất rõ rệt, số nhà đầu tư mất tiền nhiều hơn là được.
Mặc dù VN30-Index tăng 7,23 điểm tương ứng 0,53% trong phiên hôm qua, VN-Index vẫn giảm 6,02 điểm tương ứng 0,48% còn 1.252,68 điểm. HNX-Index giảm 2,15 điểm tương ứng 0,73% còn 294,64 điểm và UPCoM-Index giảm 0,37 điểm tương ứng 0,46% còn 80,06 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ song quy mô dòng tiền vào thị trường vẫn lớn, đạt 20.011,89 tỷ đồng trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 692,48 triệu đơn vị; trên HNX có 118,99 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.434,98 tỷ đồng và UPCoM có 57,65 triệu cổ phiếu tương ứng 783,01 tỷ đồng.
Dù số lượng mã tăng giá trong rổ VN30 chiếm chưa tới phân nửa rổ này, nhưng VN30-Index vẫn tăng khá mạnh nhờ lực kéo ở một số cổ phiếu như STB tăng 5,2%; NVL tăng 3%; HPG tăng 2,4%; VPB tăng 2,1%; SBT tăng 1,5%; FPT tăng 1,5%; MBB tăng 1,2%; TCB tăng 1%; MSN tăng 0,9%; REE và MWG cũng đang tăng giá.
Mặc kệ thị trường thị trường rung lắc hay điều chỉnh, cổ phiếu thép vẫn chưa giảm sức "nóng", hầu hết tăng giá. KKC tăng 1,3%; HPG tăng 2,4%; HSG tăng 2,5%; POM tăng 2,7%; NKG tăng 3%; SMC tăng 3,9%; TVN tăng 4,2%; VGS tăng 4,2%; TLH tăng 4,3%; BVG tăng 5,8%; VIS tăng trần.
Ngược lại, cổ phiếu "họ" Vin đang chịu áp lực bán và khiến VN-Index không thể bứt phá. VIC hôm qua giảm 2,4%; VRE giảm 2,3% và VHM giảm 1,9%.
Bên cạnh đó, một số "trụ" ngân hàng cũng bị chốt lời và giảm giá như BID giảm 2,2%; HDB giảm 1,8%; TPB giảm 1,5%; VCB giảm 1,5%; CTG giảm 0,4%.
Cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) dường như đang bị dòng tiền lãng quên. VNMID-Index giảm 15,27 điểm tương ứng 1,02 điểm dù nhiều mã đã về vùng giá thấp, liên tục giảm nhiều phiên liền.
Cụ thể, KBC giảm 4,4% về 32.300 đồng; PPC giảm 4,8% về 24.000 đồng; AST giảm 4,6% về 46.000 đồng; DXG giảm 3,3% về 23.150 đồng, DIG giảm 3,2% về 27.100 đồng; CII giảm 2,7% về 19.750 đồng, CTD giảm 2,7% về 54.500 đồng; SCR giảm 2,5% về 7.900 đồng; HBC giảm 2% về 14.850 đồng…
Nhiều nhà đầu tư nắm cổ phiếu midcap như đang "ngồi trên đống lửa" vì thị trường tăng hay giảm thì cổ phiếu trong danh mục vẫn… tiếp tục giảm.
"Tình trạng hiện tại khi nắm cổ phiếu midcap là 'bỏ thì thương mà vương thì tội'. Với vùng giá hiện tại của những mã này gần như đều đã về nền để chờ hồi phục, tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang dồn vào một số trụ và một số cổ phiếu ngân hàng. Dù vậy, nhà đầu tư cũng không dám đổi hàng theo hướng bán midcap để mua vào cổ phiếu đang tăng mạnh vì dễ đu đỉnh" - chị Nguyễn Thanh Loan, môi giới của một công ty chứng khoán trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho hay.
Chiến thắng trên thị trường đang không dành cho số đông. Trong nhiều phiên gần đây, số lượng mã giảm giá vẫn chiếm đa số, phần lớn nhà đầu tư vẫn mất tiền, trong khi không ít người cầm tiền lại đứng ngoài thị trường để tránh "xung đột" giữa bên mua và bên bán, chờ thời điểm xác định rõ xu hướng mới "tham chiến".