📞

Thị trường hàng Tết: Tan băng, tăng nhiệt

09:39 | 07/01/2009
Hằng năm, vào dịp cuối năm, thị trường thường "nóng" dần do sự xuất hiện của nhiều loại hàng hóa với phẩm cấp, xuất xứ và giá cả khác nhau. Nhưng năm nay, thị trường trong suốt tháng 12 dường như trầm lắng. Song khoảng 10 ngày nay, thị trường đã đảo chiều, với lượng người đi mua sắm tăng nhanh...

Phong phú nguồn hàng,  thị trường "hạ nhiệt"

 

Dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên thị trường Hà Nội trong tháng tết sẽ đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng 30% so với năm ngoái. Một số doanh nghiệp (DN) lớn đã hoàn thành kế hoạch phục vụ tết. Trong đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực Hà Nội sẽ bán ra 500 tấn gạo, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên dự trữ cho dịp tết khoảng 295 tấn gạo ngon, gần 400 tấn thịt các loại, khoảng 8 nghìn tấn thực phẩm chế biến, 5 nghìn tấn rau xanh, 360 tấn bánh mứt kẹo, 0,5 triệu lít rượu, bia, 650 tấn dầu ăn, 73 tấn mỳ chính... với tổng trị giá 570 tỷ đồng. Một số siêu thị như Metro, Intimex, Big C... đưa ra lượng hàng hóa trị giá cả nghìn tỷ đồng. Những DN khác và các hộ kinh doanh ở các chợ dự kiến sẽ tiêu thụ 2 nghìn tấn thịt trâu, bò, 10 nghìn tấn thịt lợn và 3.500 tấn thịt gia cầm, 6 nghìn tấn thủy, hải sản...

 

Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị hàng tết theo hướng đầy đủ, phong phú, không để xảy ra khan hàng, biến động giá. Thành phố đã có "gói hỗ trợ" trị giá 160 tỷ đồng cho các DN vay với lãi suất 0% để mua hàng dự trữ, chủ động gom hàng, phục vụ thị trường và bình ổn giá. Số vốn trên đến nay đã được giải ngân khoảng 60% và đang tập trung giải ngân tiếp. Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, đây là biện pháp quan trọng trong điều hành của thành phố và nhận được sự ủng hộ của các DN, từ đó họ có điều kiện chủ động mua hàng, dự trữ và tham gia thị trường một cách hiệu quả hơn.

 

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong tháng 12-2008, thị trường nội địa tiếp tục xu thế chững lại với sự giảm giá của nhiều mặt hàng, sản phẩm… Nhiều địa phương, đô thị lớn đều có mức tăng giá rất thấp, hoặc giảm, đặc biệt Hà Nội có chỉ số giá giảm 1,3% đã khiến cho "đầu kéo" tiêu dùng giảm tốc. Trong đó, nhóm hàng giao thông, bưu chính, viễn thông có mức giảm gần 6,5%, giá xăng, dầu, ga, các loại dịch vụ cũng giảm mạnh. Nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống giảm 1,58%. Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 2,11% do nhiều DN và người dân chậm triển khai, đình hoãn dự án xây dựng. Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng. Thực tế cho thấy ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế quốc tế đã làm "nguội" nhu cầu mua sắm, mở rộng sản xuất và đầu tư trên phạm vi toàn cầu, kéo theo hệ lụy là DN trong nước bị thu hẹp thị trường xuất khẩu. Một phần hàng hóa đáng kể bị tồn đọng phải trông chờ ở sức tiêu thụ nội địa, gây ra tình trạng cung tăng hơn cầu. Diễn biến thị trường tháng qua xảy ra ngược với tập quán hằng năm. Cụ thể, nhiều loại hàng gia dụng vẫn có xu hướng giảm giá liên tục. Tại các chợ, gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi vẫn tiêu thụ chậm, riêng rau xanh được khôi phục trên diện rộng, nên đã kìm giữ đà tăng giá...

 

Thị trường đã sôi động

 

Đáng mừng là từ sau Lễ Nô-en khoảng 10 ngày, tình hình thị trường đã sôi động, với hy vọng của các DN là hâm nóng đời sống xã hội khi chuẩn bị bước vào đợt nước rút bán hàng tết.  Lượng người đến mua sắm ở các siêu thị đã đông lên trông thấy... Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C cho biết, năm nay đơn vị chuẩn bị nhiều loại bánh kẹo, nhưng 90% là do DN trong nước sản xuất, được người tiêu dùng đón nhận do mẫu mã, bao bì đẹp và chất lượng nâng cấp. Siêu thị này cũng đưa ra 2 đợt chăm sóc khách hàng, trong đó áp dụng giảm giá đến 50% với 600 mặt hàng để kích cầu, khuyến khích sức mua. Nhiều siêu thị khác cũng gia tăng những dịch vụ khuyến mãi, giảm giá như mua hàng trả góp, giao hàng theo địa chỉ, phân phát tờ rơi, tư vấn tiêu dùng... Do một số đơn vị đã có những thông tin về mức thưởng tết cùng những khoản thu nhập khác, nên người lao động, nhất là những đối tượng có thu nhập khá đã có thêm điều kiện mua những món hàng ra tấm, ra món. Đây cũng là thực tiễn lý giải việc nhiều siêu thị điện máy trở nên "nóng", với số người vào ra nườm nượp. Mức tiêu thụ các loại  ti vi cao cấp LCD đã tăng khá rõ rệt tại siêu thị Pico, Vicom cũng như các cửa hàng điện tử trên phố Hai Bà Trưng kể từ cuối tuần qua...

 

Trong một diễn biến khác, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng vào mùa cao điểm, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nhấn mạnh, đây là thời điểm nhạy cảm, là mùa làm ăn của các DN, cũng là lúc kéo theo những hoạt động "ăn theo" của giới làm hàng giả, hàng nhái. Vì thế, lực lượng QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra những loại hàng có nhu cầu và mức lãi cao như rượu, thuốc lá, điện thoại di động, thực phẩm chế biến...Theo Hà Nội Mới