📞

Thị trường thực phẩm Halal: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Linh Chi 20:04 | 30/11/2020
TGVN. Là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và là quốc gia xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam". (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày 30/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức Diễn đàn "Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam" tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế, cả trực tiếp và trực tuyến.

Thị trường rộng lớn và tiềm năng

Phát biểu tại phiên trao đổi về Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu tại Diễn đàn, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF, Trưởng Cơ quan đại diện lâm thời Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam nhận định, dân số Hồi giáo toàn cầu đã vượt 1,6 tỷ người và dự kiến ​​sẽ đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030.

Mười quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất là Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Iraq. Có 62% người Hồi giáo sống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, đạo Hồi được cho là du nhập từ thế kỷ thứ 10, đến nay cả nước có khoảng 72.000 tín đồ đạo Hồi ở 13 tỉnh thành.

Bà Rana Flowers thông tin, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu ước tính đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2014, chiếm hơn 20% tổng thị trường thực phẩm trên thế giới. Bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2020, thị trường thực phẩm Halal dự báo sẽ tăng trưởng hơn 4,8%, đạt khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng. Thị trường rộng lớn này đang ngày càng được các quốc gia xuất khẩu thực phẩm quan tâm.

Ông Obaid Saeed Obaid Bin Taresh Al Dhaheri, Đại sứ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Việt Nam cho hay, theo báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2020, nền kinh tế Hồi giáo sẽ tăng lên 3,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023.

Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Halal đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, sự gia tăng chi tiêu cho thực phẩm Halal đã tăng 3,1% vào năm 2019, đạt 1,17 nghìn tỷ USD, từ mức 1,13 nghìn tỷ USD năm 2018. Theo dự báo, mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự kiến ​​sẽ đạt 1,38 nghìn tỷ USD vào năm 2024.

“Điều này mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các quốc gia ‘thâm nhập’ thị trường thực phẩm Halal. Đặc biệt, cơ hội đầu tư không chỉ giới hạn ở quy trình sản xuất mà còn mở rộng cửa với các công ty trong lĩnh vực như giống và phân bón, trang trại chăn nuôi, công ty công nghệ sản xuất thực phẩm, cơ sở chế biến thực phẩm hay các công ty dịch vụ hậu cần”, Đại sứ Obaid Saeed Obaid Bin Taresh Al Dhaheri nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ UAE và Ấn Độ

Theo Đại sứ Obaid Saeed Obaid Bin Taresh Al Dhaheri, tại thị trường Trung Đông, UAE là quốc gia nổi bật trong ngành công nghiệp Halal, với số vốn đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế Hồi giáo lên đến 23 tỷ USD và là một trong những quốc gia có thành tích cao thứ ba trong lĩnh vực thực phẩm Halal trong năm 2019, chỉ sau Malaysia và Indonesia.

Trong nhiều năm, UAE đã nỗ lực phát triển hệ thống thống nhất cho ngành công nghiệp Halal, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, mà còn trong lĩnh vực mỹ phẩm, nước hoa, thuốc và chất bổ sung dinh dưỡng.

“Có thể nói, cơ sở hạ tầng lập pháp tiên tiến của UAE và các chính sách cởi mở mà quốc gia này tuân theo đã đủ điều kiện để đóng vai trò tiên phong trong việc quản lý hậu cần của ngành công nghiệp Halal. Thời gian qua, UAE đã đóng góp rất nhiều vào việc mở rộng phạm vi của ngành, bao gồm các ngành công nghiệp khác ngoài thực phẩm và UAE sẵn sàng trở thành một người chơi nghiêm túc và lớn trong ngành công nghiệp Halal toàn cầu”, Đại sứ UAE tại Việt Nam khẳng định.

Chia sẻ về thị trường Halal Ấn Độ tại Diễn đàn theo hình thức trực tuyến, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng, dù không thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo nhưng Ấn Độ vẫn là nước có số lượng người theo đạo Hồi lớn thứ 3 thế giới, với khoảng 172 triệu người. Người Hồi giáo Ấn Độ chiếm khoảng 14% dân số Ấn Độ và 11% tín đồ Hồi giáo toàn cầu. Đặc biệt, cộng đồng hồi giáo ở Ấn Độ tương đối trẻ, hứa hẹn tạo nên một thị trường nhu cầu sản phẩm Halal trong nhiều thập kỷ tới.

Tại Ấn Độ, ngành công nghiệp Halal chủ yếu liên quan đến việc tiêu thụ thịt Halal. Chỉ với một số ít các công ty tham gia bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân Halal, ngành công nghiệp này rõ ràng là một phân khúc chưa được khai thác trong thị trường FMCG (Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng thường ngày và thân thuộc trong cuộc sống) cạnh tranh cao ở Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay, hiện tại, tiềm năng thị trường rộng hơn cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân không cồn, dành cho người ăn chay còn rất lớn. Ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân là một trong những phân khúc sản phẩm tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ, mang lại cơ hội lớn cho các công ty quốc tế.

"Nhóm người tiêu dùng trẻ Ấn Độ cũng ngày càng chú trọng hơn đến thành phần, chất lượng và quá trình sản xuất sản phẩm. Do đó, các sản phẩm chăm sóc cá nhân Halal có nhiều tiềm năng thu hút cả người tiêu dùng không theo đạo Hồi khi các nhãn hàng Halal dễ dàng được quảng bá với những định danh bổ sung như từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường/động vật, thuần chay, không cồn”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tham quan gian hàng trưng bày thực phẩm Halal. (Ảnh: Tuấn Anh)

Những lưu ý cho Việt Nam

Đánh giá về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận Halal, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều nhóm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal của các nước Hồi giáo như nông sản, thủy sản. Một số công ty của Việt Nam như: Orion Vina, Vinamilk, Nestlé Vietnam, Cai Lan Oils and Fats Industries, Công ty dầu thực vật Tường An, Công ty thủy sản Minh Phú... đã nhận được chứng nhận Halal.

"Với lợi thế là một nước xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.

Tuy nhiên, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận đúng đắn các quy định thương mại của các nước Hồi giáo nói chung và còn nhầm lẫn về khái niệm Halal. Chẳng hạn như phần đông các doanh nghiệp nghĩ rằng, 100% đồ chay chính là sản phẩm Halal, hay là sản phẩm không thịt mỡ, thịt heo thì có thể bán và sử dụng ở thị trường Hồi giáo. Đây là cách hiểu chưa chính xác, các doanh nghiệp nên tìm hiểu chi tiết hơn để tiếp cận đúng đắn các quy định thương mại của các nước Hồi giáo.

Ngoài ra, chứng nhận của các tổ chức không được Liên minh Halal Quốc tế (IHIA) công nhận chỉ có giá trị hạn chế trên thị trường quốc tế. Do vậy, trước khi yêu cầu cấp chứng nhận Halal, các doanh nghiệp nên dành thời gian tìm hiểu thông tin về tổ chức sẽ cấp chứng nhận cho mình.

Để tiếp cận được thị trường Halal trên toàn cầu, trong đó có Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về văn hóa Hồi giáo bởi người Hồi giáo rất chú trọng đến tâm linh và đức tin. Nếu trong một bản chương trình làm việc với các đối tác Hồi giáo có thời gian cũng như lịch trình để họ thực hiện các nghi thức cầu nguyện theo đức tin của người Hồi giáo, doanh nghiệp sẽ được đối tác trân trọng và sẽ có thiện chí hợp tác.

"Đối với quá trình sản xuất, doanh nghiệp cũng sẽ phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố từ nhà xưởng (phải có sự tách biệt giữa nhà xưởng sản phẩm Halal với sản phẩm không Halal), các yêu cầu về thiết bị cũng phải được tách biệt, không sử dụng chung, lẫn lộn các thiết bị…

Ngay đến vấn đề cá nhân, công nhân trong các khâu sản xuất, doanh nghiệp cũng phải tách biệt rõ ràng, quy định cụ thể các tiêu chí sản xuất về mặt tôn giáo bởi vì đây không đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà đây chính là niềm tin, đức tin của người Hồi giáo khi tham gia quá trình sản xuất. Trong quá trình tạo dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào sự trung thực và liêm chính, rõ ràng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định", Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ bật mí.

"Chìa khóa" để mở cửa vào thị trường thực phẩm Halal

Theo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam là nước có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp như ca cao, cà phê, gạo, lúa mạch, các loại đậu hạt, rau củ quả và thủy hải sản. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, thủy sản, trái cây, chế phẩm từ ngũ cốc, cơm dừa… đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Trung Đông-châu Phi, nơi có hơn 30% dân số Hồi giáo.

Khu vực Trung Đông-châu Phi được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam. Thời gian tới, việc nghiên cứu kỹ thị trường Trung Đông - châu Phi để có cách tiếp cận phù hợp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được cấp chứng nhận Halal là giải pháp tốt cho hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam để mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trước đây, nhất là trong bối cảnh suy giảm nhu cầu tại các thị trường chủ chốt do đại dịch Covid-19, đồng thời hướng tới thúc đẩy xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Halal toàn cầu cho hàng nông sản, thủy sản Việt Nam.

"Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn, phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục. Nếu Việt Nam tận dụng được những lợi thế như là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, vị trí địa lý gần châu Á với hơn 62% dân số Hồi giáo, tích cực triển khai Đề án phát triển với các nước Trung Đông-châu Phi nơi có hơn 30% dân số Hồi giáo thì sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal" - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được cấp chứng nhận Halal của Việt Nam và tiếp tục thâm nhập vào thị trường tiềm năng này, TS. Nguyễn Văn Hội nhận định, cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng, các phòng thương mại và công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của các bên nhằm thúc đẩy phát triển thương mại hàng nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực Trung Đông, coi đó như trạm trung chuyển để hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Phi. Các nước Trung Đông có 95% nguồn ngoại tệ thu được từ chế biến và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, cùng với đó là hệ thống ngân hàng liên kết quốc tế rất phát triển nên khả năng thanh toán, chi trả tại thị trường này khá tốt.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại hàng nông sản và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư Trung Đông-châu Phi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, tham dự một số hội chợ, triển lãm chuyên ngành thường niên đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm được cấp chứng nhận Halal .