📞

Thị trường Trung Đông-Bắc Phi: ‘Chào hàng’ sao cho hấp dẫn

Trần Liễu 10:00 | 15/12/2023
Có thể nói, chưa khi nào thị trường Trung Đông - Bắc Phi được Lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm như hiện nay.
Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm bên lề Tọa đàm. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đều đã có các chuyến thăm đến các nước trong khu vực.

Thực hiện chủ trương hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi”. Đây là hoạt động thiết thực của Bộ trong việc khẳng định sự đồng hành, sát cánh cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là ngoại giao kinh tế.

Tại tọa đàm, với nhiều phát biểu và tham luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội trong công tác quảng bá nông lâm thuỷ sản của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi; đề xuất các phương thức quảng bá, mô hình không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Cơ quan đại diện ngoại giao (CQĐD) cũng như các hệ thống siêu thị địa phương; khả năng phối hợp giữa “Ba nhà”: Cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp, với Bộ Ngoại giao và các CQĐD trong triển khai hoạt động quảng bá nông lâm thuỷ sản tại địa bàn một cách bài bản, bền vững.

Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Với đặc thù giàu tài nguyên và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các nước Trung Đông - Bắc Phi đều có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản mà Việt Nam có thế mạnh như thuỷ sản, cà phê, chè, tiêu, điều, rau củ quả, hoa quả và thực phẩm chế biến. Chuỗi siêu thị Lulu với hơn 236 cửa hàng trên toàn thế giới, trong đó gần 200 cửa hàng nằm ở khu vực Trung Đông, nhiều năm qua đã nhập khẩu rất nhiều hàng hoá nông lâm thuỷ sản của Việt Nam.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông tăng 4%, sang Bắc Phi tăng 9,4% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang khu vực năm 2022 đạt 836 triệu USD (tăng 22,3%), 9 tháng đầu năm 2023 đạt 700 triệu USD (tăng 2,6%). Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thì kim ngạch nhóm hàng này vẫn còn thấp, chỉ khoảng 10%.

Để đưa được nông sản vào các thị trường mới như Trung Đông-Bắc Phi, công tác quảng bá chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Cùng các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao, với mạng lưới CQĐD thường trú và kiêm nhiệm tại tất cả các nước ở địa bàn đã cùng góp sức trong công tác này.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc toạ đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, thời gian qua, các CQĐD Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi đã bước đầu thành lập các khu vực trưng bày để tăng cường quảng bá hàng nông sản Việt cũng như trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản tại các siêu thị, giúp kết nối thành công một số đối tác sở tại với các đối tác Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang quan tâm hơn đến thị trường tiềm năng này.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn. Mỗi địa bàn có tính chất, đặc thù và nhu cầu riêng. Chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng của doanh nghiệp và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan quản lý nhà nước để quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh thương mại và phân phối đến thị trường một cách hiệu quả”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định.

Về thị phần hàng Việt còn thấp tại đây, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao nhận định, có nhiều nguyên nhân như khu vực yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn Halal, sự hiện diện nông sản Việt tại các hệ thống phân phối sở tại còn hạn chế, chi phí vận chuyển và logistic cao làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm sức cạnh tranh.

Theo ông Nam, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế, đặc biệt về chủng loại hàng hóa, bảo quản lưu trữ, vận chuyển hàng mẫu và cơ sở vật chất.

Chung tay gỡ khó

Hiện nay, Việt Nam có CQĐD thường trú tại 10 nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm tại tất cả các nước còn lại trong khu vực. Vụ trưởng Bùi Hà Nam nhấn mạnh: “Thời gian qua, các CQĐD ngoại giao và Thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại và quảng bá hỗ trợ tăng cường xuất khẩu nông sản với khu vực thông qua một số hoạt động cụ thể như trưng bày sản phẩm mẫu tại các cuộc triển lãm, hội chợ ở sở tại hoặc tại các sự kiện đối ngoại quan trọng của các CQĐD như kỷ niệm Quốc khánh, kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngày/Tuần Việt Nam”.

Bên cạnh việc các CQĐD bước đầu triển khai thành lập các khu vực trưng bày, giới thiệu hàng mẫu xuất khẩu của Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực, giúp kết nối thành công một số đối tác hai bên, gần đây, một số địa phương và doanh nghiệp trong nước quan tâm đến việc gửi hàng mẫu nông sản đến các CQĐD để phục vụ công tác quảng bá. Đây là một giải pháp hết sức hiệu quả trong việc sự phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp và Bộ Ngoại giao, các CQĐD trong việc giới thiệu nông lâm thuỷ sản Việt Nam tại khu vực.

Để thúc đẩy quảng bá hàng nông sản, các đại biểu cho rằng, trước mắt, có ba việc cần triển khai ngay: Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế. Thứ hai, tận dụng các nguồn lực, hệ thống có sẵn tại chỗ như các CQĐD, thương vụ, hệ thống siêu thị và nhà hàng tại khu vực nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản một cách trực quan nhất tới người tiêu dùng; kết hợp quảng bá trực tiếp với trực tuyến. Thứ ba, sự phối hợp giữa “3 nhà” không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản mà còn trong các lĩnh vực liên quan như vận tải, logistics nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Bộ Ngoại giao, với vai trò tiên phong, sẽ đầu mối tổng hợp các ý kiến tại Tọa đàm, báo cáo kiến nghị lãnh đạo các cấp tìm ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quảng bá hàng Việt nói chung và nông sản nói riêng.

Kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác quảng bá nông sản tại Trung Đông-Bắc Phi

“Về phía cơ quan quản lý Nhà nước: Cấp 1 phần kinh phí để xây dựng phòng quảng bá phù hợp với địa bàn.

Các hiệp hội ngành hàng: Cần phát huy vai trò đầu mối, cầu nối, đứng ra tổ chức tập hợp, gửi hàng mẫu để quảng bá.

Các doanh nghiệp: Tìm hiểu thị hiếu thị trường đặc thù để tìm ra sản phẩm phù hợp, không đại trà; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; dành ngân sách để khảo sát thị trường; gửi hàng mẫu cho khách hàng hoặc CQĐD; nên có cataloge giới thiệu hàng bằng mã QR.

Đối với hàng mẫu: Ghi rõ trên bao bì là hàng mẫu, tận dụng các chuyến thăm cấp cao để gửi nhằm giảm chi phí vận chuyển.

Các CQĐD: Phối hợp với doanh nghiệp để nhận sản phẩm làm quà tặng đối ngoại”.

Đặng Xuân Dũng Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia

“Cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Bình Phước kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thuần Halal của tỉnh đến thị trường Halal toàn cầu, nhất là thị trường Trung Đông-Bắc Phi.

Hỗ trợ kết nối Bình Phước với các kênh phân phối, đối tác phù hợp để xuất khẩu thịt cùng các loại nông sản, hàng hóa tiêu biểu, thuần Halal như: hạt điều, hạt tiêu, cà phê, trà, mật ong, hơn 20 loại trái cây… sang thị trường Trung Đông - Bắc Phi.

Thường xuyên cung cấp thông tin mang tính cập nhật về thị trường Halal toàn cầu; về quy trình để đạt chứng nhận Halal ở mỗi quốc gia trong khu vực”.

Trần Quốc Duy Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước

“Tăng cường thúc đẩy truyền thông về ngành Halal Việt Nam tại các quốc gia Hồi giáo.

Phối hợp với các tổ chức trong nước và kiều bào xây dựng mạng lưới cộng tác viên để tạo kênh thông tin thị trường.

Hỗ trợ mạng lưới hậu cần cho xuất khẩu: Logistics, thẩm định doanh nghiệp đối tác, hỗ trợ các vấn đề pháp lý phát sinh...

Cụ thể hóa các thông tin: Giá thị trường tại siêu thị và hệ thống phân phối, giá sản phẩm cùng loại của các nước khác xuất khẩu, quy cách đóng gói, sản lượng, nhu cầu tiêu thụ, các loại giấy tờ, chứng chỉ, thông tin chính sách… của địa bàn.

Thiết lập tổ công tác phản ứng nhanh và phát triển thị trường, nhằm thông tin dự báo thị trường thường xuyên”.

Hoàng Thị Bích Diệp Trưởng Ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam