Cũng bởi sự méo mó ấy, theo ông Cung, tín hiệu thị trường bị lệch lạc, dẫn đến các ứng xử không đúng mực trong nền kinh tế.
Nhiều khi sự gian lận mau đem lại lợi ích hơn trung thực. Người mày mò nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo để tìm kiếm lợi nhuận chính đáng và tạo ra những giá trị mới cho xã hội lại không bằng “ông” chạy chọt xin được một tờ giấy phép.
Tại hội thảo “Xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” vừa tổ chức gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng CIEM cho biết, khi ban hành chính sách luôn có một vế “yêu cầu quản lý nhà nước”.
Như vậy, ban hành chính sách là để quản lý nhà nước, chứ không phải ban hành chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao mức độ cạnh tranh của thị trường.
Ở đây có sự giằng xé giữa một bên mong muốn đưa thị trường phát triển tự do, còn bên kia lại kéo thị trường xuống.
Thị trường kém cạnh tranh
“Việc không dứt khoát trong chuyển đổi nền kinh tế đã dẫn đến vai trò của Nhà nước không chuyển hẳn sang khía cạnh bổ sung mà vẫn còn kiểm soát thị trường”, ông Cung chia sẻ.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. (Ảnh: Nguyễn Việt/TGVN |
Khi doanh nghiệp muốn tham gia thị trường, ông Cung nhìn thấy “đầy rẫy” các bất công, trở thành rào cản cho phát triển. Đơn cử, điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách yêu cầu một doanh nghiệp phải có tối thiểu 20 đầu xe ô tô nếu ở thành thị, còn ở nông thôn phải có 10 chiếc.
Theo ông Cung, 10 hay 20 chiếc ô tô không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước mà chỉ tạo ra rào cản khi doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Trong kinh doanh, dùng bao nhiêu xe, sử dụng như thế nào là việc của người kinh doanh và nhà đầu tư, nhà nước không nên can thiệp. Những điều kiện này chỉ có lợi cho ai có vốn lớn, còn những người ít vốn nhưng có sáng kiến kinh doanh tốt thì lại không có cơ hội tham gia thị trường.
“Chúng ta có thể nhìn thấy ngay, dù giá xăng dầu giảm thì giá dịch vụ vận tải vẫn chưa giảm vì cơ cấu thị trường hiện nay rất kém cạnh tranh”, ông Cung cho biết.
Một ví dụ khác, muốn kinh doanh gas thì cần phải có 100.000 bình gas - con số làm hạn chế sự gia nhập thị trường của rất nhiều doanh nghiệp. Điều đáng nói, chính yêu cầu này sẽ là hàng rào bảo vệ cho những người đang kinh doanh gas hiện tại, hạn chế các doanh nghiệp khác muốn kinh doanh gas tiếp cận thị trường này. Như thế, hoạt động nhóm kinh doanh này trở nên dễ dàng và thu được lợi nhuận cao hơn.
“Về lợi ích chung, điều này sẽ làm hại nền kinh tế, làm hại đến lợi ích của thị trường, người tiêu dùng”, ông Cung bức xúc.
Một góc độ méo mó khác của thị trường đất đai cũng được ông đưa ra thảo luận. Theo đó, luôn luôn có một nhóm lợi ích nào đó làm công việc “đẩy giá”. Rất đơn giản, họ chỉ cần “thổi giá” cho đất nông nghiệp chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Qua một đêm, giá đất có thể “bay cao” mấy chục, thậm chí mấy trăm lần.
“Khoảng chênh lệch giá này sẽ rơi vào đâu và vào tay ai?”, ông Cung đặt câu hỏi. Và ở mức độ nào đó, có hay không sự cấu kết giữa công chức nhà nước với các “sân trước” và “sân sau”?
Lối thoát nào cho cả nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra thông tin, 80% chi phí khai thác khoáng sản ở Việt Nam là chi phí ngoài pháp luật. Như vậy, có tới 80% phải “ngoại giao dưới gầm bàn”, chỉ còn lại 20% là thực sự dành cho khai thác. Điều này dẫn đến việc môi trường bị tàn phá “khủng khiếp” như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, thị trường vốn cũng bị méo mó. Thứ nhất, lãi suất vẫn cao hơn mặt bằng lạm phát rất nhiều. Thứ hai, không phải ai cũng có thể tiếp cận được tiền vốn. Thứ ba, các chi phí làm thủ tục hành chính rất khó khăn.
Có một doanh nghiệp chia sẻ, họ chuyên nhập khẩu bò, gà giống về Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, bất kể khâu nào họ cũng phải có “lót tay”. Nếu không có tiền bôi trơn thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Biết là sai nhưng nếu không đưa tiền thì không được việc, làm ngay thẳng thì không biết đến khi nào mới xong việc.
“Việc không bình đẳng như thế này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, cản trở doanh nghiệp trong nước vươn lên”, ông Doanh thẳng thắn.
Đồng quan điểm, ông Cung thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang méo mó, cả bên cung lẫn bên cầu. Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đôi khi không tính toán đến hiệu quả kinh tế. Từ đây dẫn đến câu chuyện, nơi cần thì vốn không đến. Nơi không cần thì vốn lại đến. Vốn cần đến những dự án có hiệu quả cao thì không đến, lại đến những nơi hiệu quả kinh tế thấp. Đây là vấn đề được thấy rất rõ, là bằng chứng thể hiện sự méo mó của thị trường hiện nay.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, vấn đề tắc nghẽn ở tầm cao nhất hiện nay chính là thể chế. Nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ tìm ra lối thoát cho thị trường. Một mặt, chúng ta thích có một nền kinh tế thị trường, nhưng mặt khác lại sợ và ngại thị trường: “Bây giờ làm gì cũng phải “lách”. Minh bạch, rõ ràng, rứt khoát đôi khi lại khổ”, ông Hồ nói.