Người dân và doanh nghiệp đang hưởng lợi nhờ giá gạo tăng cao. (Nguồn: Công Thương) |
Thị trường thịt lợn: Trong 2 ngày cuối tuần và đầu tuần này, giá thịt lợn hơi ít biến động, hầu như đi ngang trên cả nước.
Tại miền Bắc: Thị trường lợn hơi miền Bắc tăng giảm trái chiều tại một số tỉnh, thành. Cùng giao dịch ở mức 85.000 đồng/kg, Hà Nam tăng 2.000 đồng/kg, trong khi Nam Định giảm 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Một số địa phương tiếp tục thu mua ở ngưỡng cao như Bắc Giang đạt 86.000 đồng/kg, Thái Nguyên, Ninh Bình là 85.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tại Miền Bắc hôm nay ghi nhận trong khoảng 81.000 - 86.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên: Không ghi nhận thay đổi về giá trong những ngày qua. Cụ thể, tại Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Bình và Nghệ An, giá thu mua duy trì ở ngưỡng 85.000 đồng/kg. Cao hơn 1.000 đồng/kg có Thanh Hóa và Ninh Thuận với 86.000 đồng/kg.
Riêng tại Hà Tĩnh, giá chạm mức 87.000 đồng/kg. Đây cũng là tỉnh có mức giá giao dịch cao nhất trong khu vực. Giá thịt lợn hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 79.000 - 87.000 đồng/kg.
Tại miền Nam: Giá thịt lớn hơi khu vực phía Nam ghi nhận mức tăng giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương trong vùng.
Bến Tre tăng 1.000 đồng/kg lên ngưỡng 84.000 đồng/kg. Trong khi đó, Kiên Giang và Bình Phước giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống còn 85.000 đồng/kg trong ngày hôm nay. Giá heo thịt lợn hơi hôm nay tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 80.000 - 87.000 đồng/kg.
Thịt lợn nhập khẩu từ Thái Lan đang bán với giá 115 baht/kg, tương đương khoảng 84.000 đồng/kg.
Thị trường gạo: Giá gạo trên cả nước vẫn đang ở mức cao nhờ thị trường xuất khẩu có nhiều yếu tố thuận lợi cho gạo Việt Nam.
Giá gạo NL IR 504 ở mức 9.150 đồng/kg; gạo OM 5451 ở mức 10.450 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg; giá gạo tấm IR 504 cũng ở mức 8.800 đồng/kg. Với mức giá này, hiện giá gạo trong nước đã tăng 200 - 300 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Riêng giá lúa, ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định so với cuối tuần. Cụ thể, lúa tươi Jasmine đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.000 đồng/kg; lúa OM 9577, OM 9582 6.100 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.000 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 6.100 đồng/kg.
Các doanh nghiệp cho biết, với giá lúa gạo liên tục giữ ở mức cao như hiện nay thì cả người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi. Dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, với thuận lợi đó, năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu được ít nhất 6,5 triệu tấn gạo.
Trên thị trường giao dịch quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán hôm nay giữ ổn định ở mức 483 - 487 USD/tấn với gạo 5% tấm. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu đang tốt, nhu cầu cao trong khi nguồn cung khan hiếm, các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Bangladesh đều gặp nhiều khó khăn do lũ lụt và dịch bệnh.
Giá xăng dầu: Kể từ chiều ngày 12/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán mặt hàng xăng RON92 và dầu mazut giữ ổn định so với kì trước, giá xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa giảm nhẹ so với giá hiện hành. Cụ thể:Xăng E5RON92: không cao hơn 14.409 đồng/lít;
Xăng RON95-III: không cao hơn 14.922 đồng/lít;
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 12.201 đồng/lít;
Dầu hỏa: không cao hơn 10.207 đồng/lít;
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.183 đồng/kg.
Thị trường dệt may: Theo thông tin mới nhất Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm 2020, nhất là các sản phẩm có giá trị cao như: veston, sơ mi cao cấp. Trong khi đó, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "chủ lực" của nhiều doanh nghiệp may hiện giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, quý II/2020 sẽ là quý khó khăn nhất của toàn ngành khi khách hàng tại các thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, EU đều đã hủy đơn hàng do các thị trường đồng loạt đóng cửa. Tỷ lệ bị hủy đơn hàng trung bình từ 30% - 70%. Đơn hàng giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương nhân công đã khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14% - 18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Thị trường nông sản: Một số mặt hàng nông sản trong nước đang có xu hướng tăng. Cụ thể, giá cà phê trong nước đang ở mức cao.
Giá cà phê tại Tây Nguyên, ghi nhận sau khi tăng 300-400 đồng/kg tại hầu hết các địa phương vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên và Miền Nam vào hôm qua theo giá cà phê thế giới. Giá cà phê trong nước hiện cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 33.600 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 32.800 đồng/kg.
Giá tiêu trong tuần qua cũng bất ngờ tăng 500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giảm 500 đồng/kg, đưa giá tiêu nguyên liệu tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên lên 47.000 - 49.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá tiêu trở lại xu hướng ổn định vào những ngày còn lại trong tuần đưa giá tiêu trung bình đạt 48.000 đồng/kg.
Đối với trái cây, theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, bên cạnh những mặt hàng trái cây đã được xuất khẩu trong thời gian qua, thời gian tới, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản là hai thị trường tiềm năng cho ngành hàng này. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.