Ông Nguyễn Trần Thức (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau) cho biết, cây thanh long hiện đang phát triển rầm rộ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch là loại cây trồng chủ lực ở địa phương nên khi người dân tự phát mở rộng diện tích sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi.
Theo ông Thức, khi nguồn cung vượt cầu thì thanh long sẽ gặp khó về đầu ra, dẫn đến chuyện nông sản dư thừa, khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá thu mua. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân trồng thanh long đều chưa am hiểu sâu về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho thanh long nên năng suất thường đạt thấp, chất lượng giảm sút.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Cà Mau chưa tìm được đầu ra. (Nguồn: TTXVN) |
Do vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, trong thời gian tới, người dân không nên ồ ạt trồng cây thanh long mà chỉ sản xuất tập trung tại một số vùng ngọt hóa, với quy mô khoảng 100 ha, phải chủ động liên kết được với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
Ước tính trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm ha đất vườn, đất trồng lúa và đất rừng đã được người dân cải tạo trồng thanh long để phát triển kinh tế gia đình. Trong hai năm gần đây, nhiều thương lái ở Cà Mau không còn mặn mà với việc thu mua thanh long nữa. Chính vì vậy, cứ kỳ thu hoạch trái thì nhiều gia đình đành phải mang ra tận Quốc lộ 1 chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với thanh long của các tỉnh Long An, Tiền Giang.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Cà Mau vẫn chưa tìm được đầu ra, lại vừa phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích vườn thanh long bị nhiễm bệnh, có nguy cơ phải đốn bỏ.
Theo ông Nguyễn Trần Thức, với vùng đất Cà Mau thì mô hình trồng chuối, rau màu hoặc nuôi thủy sản sẽ là lợi thế lớn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Điều quan trọng, nông dân phải năng động chọn những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế vừa thích ứng với thời tiết, chịu được độ phèn mặn cao.