📞

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sự quan tâm đặc biệt, chiến lược đúng đắn và những việc Mỹ 'cần làm ngay'

Nguyễn Kim 07:04 | 23/08/2021
Trao đổi với TG&VN về chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 22-26/8, PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an cho rằng, chuyến thăm sẽ có tác động đến các mối quan hệ quốc tế tại khu vực, thậm chí liên quan cấu trúc, bố trí các lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chuyến thăm của bà Harris có tác động đến hợp tác và cạnh tranh giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực.

Việc Phó Tổng thống Mỹ công du nước ngoài là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế. Theo ông, tại sao chuyến thăm của bà Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam lại được dư luận truyền thông quốc tế và khu vực quan tâm như vậy?

Đúng là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thực hiện chuyến thăm đến Singapore và Việt Nam nằm trong kênh ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, chuyến thăm lại nhận được nhiều sự quan tâm vì những lý do như sau:

Thứ nhất, Việt Nam và Singapore là những quốc gia thuộc Hiệp hội ASEAN, cộng đồng có vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong sân khấu chính trị của thế giới thế kỷ XXI là thế kỷ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì ASEAN là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà không có ASEAN thì sẽ rất khó khăn. Tại khớp nối này đang diễn ra cuộc cạnh tranh toàn cầu mang tính lịch sử, giữa một cường quốc đang lên và siêu cường hiện hữu.

Bên cạnh ý nghĩa quan trọng với quan hệ song phương giữa Mỹ với Singapore, giữa Mỹ với Việt Nam, chuyến thăm cũng “buộc” các nước phải quan tâm, vì nó tác động đến các mối quan hệ quốc tế với khu vực, thậm chí liên quan cấu trúc, bố trí các lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Rõ ràng kết quả của chuyến thăm, ở một mức độ nào đó, sẽ có tác động đến hợp tác và cạnh tranh giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực, mang phạm vi toàn cầu, có ý nghĩa lịch sử trong thế kỷ XXI.

Truyền thông thế giới đề cập rất nhiều đến câu chuyện “Nước Mỹ trở lại”. Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố về điều này. Theo ông, chuyến thăm của bà Harris có phải nhằm hiện thực hóa chiến lược nước Mỹ trở lại?

Đúng vậy. Chuyến thăm là một hành động trên thực tế để triển khai chiến lược nước Mỹ trở lại với thế giới nói chung, trở lại với ASEAN nói riêng. Có thể thấy điều này trong các hoạt động của chính quyền Biden trong nửa năm qua.

Trong 7 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, tính từ ngày 20/1 khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, đến ngày hôm nay 23/8, Mỹ đã có một loạt hoạt động chưa từng có.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan.

Bà Sherman là một chuyên gia khá am hiểu về Đông Nam Á trong giới ngoại giao Mỹ. Dù là thứ trưởng nhưng bà mang theo tư cách ý tưởng của người đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ.

Cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm Philippines, Singapore và Việt Nam.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đầu tháng 8 đã tham gia một loạt cuộc họp trực tuyến với các quan chức cao cấp ASEAN, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ và Hội nghị Bộ trưởng những người bạn của Mekong.

Chưa bao giờ trong 20 năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố triển khai chiến lược xoay trục sang châu Á. Hay trong suốt 4 năm cầm quyền của ông Obama, chưa bao giờ có các chuyến đi, cuộc họp dồn dập với các nước ASEAN như vậy.

Rõ ràng chuyến thăm của bà Harris, cùng với các sự kiện trên nhiều lĩnh vực, tiếp cận từ nhiều phía, thể hiện quyết tâm chính trị của chính quyền Mỹ trong khôi phục quan hệ vốn có, truyền thống với ASEAN, vốn đã bị sứt mẻ trong chính quyền của tổng thống tiền nhiệm.

Những động thái trên cho thấy chưa bao giờ Mỹ có quan tâm đặc biệt tới ASEAN như vậy. Điều này được các nước ASEAN đón nhận tích cực. Cộng đồng quốc tế cũng thấy Mỹ có chuyển biến tích cực.

Rõ ràng không chỉ có lời nói, mà chính quyền Biden đã có hành động thể hiện sự hiện diện ở nhiều nơi, trong đó có ASEAN.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến căn cứ không quân Paya Lebar ở Singapore ngày 22/8. (Nguồn: Reuters)

Ông có thể nhận định về mục đích và nội dung chuyến thăm Singapore và Việt Nam của bà Harris? Nước Mỹ kỳ vọng gì qua chuyến công du này?

Tháng 3/2021, chính quyền Biden công bố Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời. Thông thường, mỗi Tổng thống Mỹ sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, người nhanh thì 6 tháng, chậm thì 1 năm sẽ công bố chiến lược an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh Tổng thống Biden mới nhậm chức còn bộn bề các vấn đề trong và ngoài nước Mỹ nên chưa kịp đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mà chỉ mới công bố hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia.

Trong văn bản này, chính quyền Biden đã lưu và xác định rõ, nguyên văn như sau: “Chúng ta phải làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và cộng tác với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các thành viên khác trong ASEAN để thúc đẩy mục tiêu chung”.

Ở Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động cả đối nội và đối ngoại, cả chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, ngoại giao…

“Chuyến thăm là một bước hiện thực hóa chiến lược nước Mỹ trở lại, với mục đích khôi phục, củng cố, làm bền chặt, bền vững hơn mối quan hệ giữa Mỹ với ASEAN – mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. (Thiếu tướng Lê Văn Cương)

Tôi cho rằng chuyến thăm của bà Harris không có mục đích gì khác ngoài triển khai Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia và thể hiện tư duy nước Mỹ đã trở lại của ông Biden.

Mục tiêu cụ thể của chuyến đi là củng cố lòng tin, làm sâu sắc, bền chặt thêm các mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, giữa Mỹ và Singapore, để hai nước hiểu Mỹ hơn.

Ngoài ra, thông qua trao đổi với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Singapore, Mỹ cũng thăm dò thái độ của hai nước nói riêng, thái độ của cộng đồng ASEAN nói chung về chính sách của Mỹ đối với ASEAN trong thời đại của ông Joe Biden.

Về nội dung, Mỹ với Singapore có quan hệ rất sâu đậm về kinh tế. Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Singapore. Năm 2004, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế hai bên.

Về quốc phòng-an ninh, Mỹ và Singapore cũng có quan hệ chặt chẽ. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa quân đội hai bên theo đó, Singapore cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của nước này. Singapore cũng cam kết hỗ trợ hậu cần cho lực lượng quân đội Mỹ ở khu vực.

Do đó, tại Singapore, bà Harris sẽ cùng các lãnh đạo nước này thảo luận việc tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế, quốc phòng. Thông qua Singapore, Mỹ muốn thông báo về sự tiếp tục hậu thuẫn Singapore về an ninh-quốc phòng, tiếp tục sự hiện diện ở khu vực.

Ứng phó Covid-19 cũng là một nội dung thảo luận trong chuyến thăm nhưng không phải là vấn đề trọng tâm.

Còn với Việt Nam, từ năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện, đây là bước phát triển rất lớn.

Quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ đến mức năm 2016 Tổng thống Donald Trump đã nhắc đến Việt Nam như một quốc gia đứng thứ 7 thế giới về xuất siêu sang Mỹ. Trong quan hệ Việt-Mỹ thì tốc độ hợp tác nhanh nhất là về kinh tế.

Trong chuyến thăm, hợp tác kinh tế Việt-Mỹ chắc chắn là một nội dung được bàn thảo. Nhưng trọng tâm có lẽ là Biển Đông.

Dư luận quốc tế vẫn cho rằng, trong mắt của Washington, khi nói đến vấn đề Biển Đông thì Việt Nam vẫn có vai trò quan trọng nhất.

Có lẽ lần này, Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bà Harris cũng sẽ tỏ thái độ để Việt Nam hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở khu vực và sẵn sàng hỗ trợ các nước khác bảo vệ lợi ích, chủ quyền hợp pháp của Việt Nam nói riêng, các nước nói chung, theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, các nội dung hai bên có thể thảo luận là về vấn đề Mỹ hỗ trợ Việt Nam vaccine chống Covid-19, hợp tác song phương kiểm soát đại dịch.

Dư luận cho rằng, chuyến thăm của bà Harris song phương nhưng sẽ tác động đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Như trên đã nói, chuyến thăm là sự kiện thông thường trong quan hệ song phương, nhưng xuất phát từ vai trò của ASEAN trong cấu trúc quyền lực, trong cạnh tranh và hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chuyến thăm thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận.

Hơn nữa, Singapore và Việt Nam lại là hai quốc gia có vị trí đặc biệt trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Chính vì thế, chuyến thăm này có tác động đến các nước trong khu vực. 8 nước ASEAN, Trung Quốc, ngoài ra còn có Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand… sẽ rất quan tâm theo dõi sát chuyến đi lần này của Phó Tổng thống Mỹ.

Dựa vào kết quả chuyến thăm, các nước sẽ phải điều chỉnh những tính toán chiến lược của riêng mình.

Tuy nhiên, về đánh giá chung, tôi tin rằng 8 nước ASEAN còn lại đều ủng hộ chuyến thăm, vì không có dấu hiệu tiêu cực nào trong chuyến thăm đối với các nước ASEAN.

Chính quyền Biden thể hiện quyết tâm củng cố khôi phục quan hệ với ASEAN, trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Song việc thực hiện không hề đơn giản. Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn mà Mỹ gặp phải khi đưa Mỹ trở lại thế giới nói chung và ASEAN nói riêng?

Về mặt thuận, cuối tháng Giêng năm nay, một tổ chức của Singapore có thực hiện một cuộc điều tra xã hội học cho kết quả 68,6% người được hỏi tin rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục làm mọi việc để củng cố quan hệ với ASEAN.

Như vậy, có thể nói đông đảo người dân cộng đồng ASEAN mong muốn Mỹ khôi phục quan hệ với ASEAN. Bên cạnh đó, lập trường không chọn bên của ASEAN cũng là thuận lợi cho Mỹ.

Cũng phải nhắc lại rằng quá trình can dự của Mỹ vào ASEAN đã diễn ra hơn nửa thế kỷ, nên những ảnh hưởng sâu đậm về mọi mặt chưa mất đi và Mỹ có cơ sở để khôi phục quan hệ.

Về khó khăn, tôi cho rằng điều đáng buồn nhất là dưới thời Tổng thống Trump, trong 4 năm (2016-2020) chính quyền Mỹ không bổ nhiệm Đại sứ thường trực tại ASEAN.

Trong thời gian cầm quyền, ông Trump cũng đã vắng mặt trong các cuộc họp ở cấp cao nhất của ASEAN. Do đó, lòng tin hai bên ít nhiều bị sứt mẻ, và không thể một sớm chiều có thể khắc phục.

Thứ hai, Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong nước, với ba cuộc khủng hoảng chồng chất về kinh tế, Covid-19 và khủng hoảng xã hội. Ở ngoài nước, vai trò vị thế của Mỹ trên thế giới nói chung, tại ASEAN cũng suy giảm nhất định.

Thứ ba, về kinh tế, phải thừa nhận mối quy mô hợp tác kinh tế ASEAN và Trung Quốc lớn hơn giữa ASEAN với Mỹ.

Một điều đáng tiếc nữa là cuối năm 2016, trong quá trình tranh cử tổng thống, cả hai ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Có thể nói, ý đồ, tư tưởng, chiến lược của ông Biden là rất tốt, nhưng để hiện thực hóa thì cần phải có nguồn lực.

Ngày 11/8, trên mạng đối ngoại Mỹ có bài viết của một chuyên gia Mỹ nói rằng, trong chiến lược trở lại châu Á và ASEAN, Mỹ cần “nói ít, làm nhiều”.

Tôi cũng cho rằng Mỹ cần phải hành động nhiều hơn. Bên cạnh quốc phòng-an ninh thì cần thúc đẩy quan hệ về kinh tế. Cả Singapore và Việt Nam sẽ chờ những hành động cụ thể của Mỹ.

Để hành động, Mỹ buộc phải thay đổi. Điều cần làm ngay là quay trở lại TPP, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại.

Thứ hai, tăng cường viện trợ vaccine Covid-19, hỗ trợ phòng chống dịch.

Thứ ba là phải có chính sách đúng đắn nhưng mềm dẻo, linh hoạt, tránh cứng nhắc để xảy ra những điều mà Mỹ không mong muốn.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!