📞

Thịt nhập khẩu có thực sự an toàn?

16:50 | 08/06/2016
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu như không quản lý tốt chất lượng thì nguy cơ dịch bệnh từ thịt nhập khẩu là không tránh khỏi.

Ba năm gần đây, nhu cầu về thịt bò của Việt Nam tăng rất nhanh trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ. Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò của một số nước, đặc biệt là Australia để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Khảo sát tại một số siêu thị tại Hà Nội có thể thấy khu vực bán thịt ngoại nhập từ Mỹ, Australia, Nhật Bản rất phong phú gồm các loại thịt ba chỉ, thăn, vai, bắp bò..  phù hợp với nhu cầu chế biến của các bà nội trợ. Các mặt hàng được phân làm 2 loại bò đông lạnh và bò tươi.

Việt Nam cần chủ động hơn về nguồn thịt bò. (Nguồn: giacavattu)

Chị Hoàng Thủy ở quận Hoàng Mai chia sẻ, gia đình chị trước đây thường mua thịt bò tươi sống của Việt Nam tại các cửa hàng quen nhưng gần đây thấy rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên chị quay sang mua thịt nhập khẩu cho bữa ăn của gia đình. 

Chị Thùy, nhân viên nhà hàng Family tại Trung tâm thương mại Time City cho biết, trung bình mỗi tháng nhà hàng tiêu thụ khoảng 400kg thịt bò nhập khẩu từ Mỹ của hãng Excel và Swift. Thịt bò nhập khẩu đều đảm bảo đầy đủ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch và nguồn gốc nhập khẩu. Đánh giá về chất lượng thịt bò nhập khẩu, nhiều khách hàng tại đây cho biết, thịt bò nhập khẩu mềm, thơm, béo và ăn đậm hơn so với thịt bò thông thường. 

Hiện nay, trên thị trường thịt bò đông lạnh nhập khẩu được cung cấp nguyên cây hoặc các nhà cung cấp có thể cắt lát đóng gói trọng lượng từ 500g trở lên theo nhu cầu người tiêu dùng. Tìm hiểu trên thị trường cũng như trên các trang bán hàng online, thịt bò tươi nhập khẩu từ Australia gồm nhập khẩu tươi nguyên khối hoặc nguyên con về giết mổ. Mặt hàng này có giá cao hơn thịt đông lạnh.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện Việt Nam có trên 5 triệu con bò, mỗi năm phải giết thịt trên 1,5 triệu con, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chi khoảng 3,1 USD/kg thịt bò sống nguyên con từ Austrailia. Tuy nhiên, xu hướng nhập thịt đông lạnh đang tăng, khi giá thấp hơn, khoảng 3,05 USD/kg thịt có xương. 

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thông thường các doanh nghiệp nhập bò nguyên con loại từ 16 - 18 tháng tuổi (nặng khoảng 250-280 kg/con), về vỗ béo khoảng 100 ngày, sau khi bò đạt trọng lượng khoảng 400 - 500 kg mới giết mổ. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp và cơ quan chức năng không có giải pháp về quản lý chất lượng thì rủi ro về môi trường, dịch bệnh là rất lớn.

Thực tế, hầu hết các nước họ chỉ nhập trực tiếp thịt đông lạnh, chứ không cho nhập bò nguyên con về giết mổ. Về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nhập giống từ các nước để từng bước chọn tạo, nhân giống và hạn chế nhập khẩu bò thịt. 

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, nguồn bò từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Ấn Độ… đang cạn dần. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu các thị trường tiềm năng khác như các nước Nam Mỹ là Brazil, Columbia, Argentina…

Theo số liệu thống kê năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Australia 360.000 con bò, từ Thái Lan 56.000 con, Lào khoảng 7.000 con… Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 71.000 con bò từ Australia..

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, nếu Việt Nam cứ mãi nhập khẩu bò thịt, bò sữa thì không bền vững. Ông nêu ra một xu hướng tốt trong thời gian qua là có nhiều tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò như Tập đoàn Đức Long, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát…

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng, bên cạnh việc nhập khẩu con giống tốt là việc chủ động về nguồn bò thịt và bò sữa để đáp ứng nhu cầu trong nước.

(theo TTXVN)