Quỹ thời gian không còn nhiều để Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu. (Nguồn: Gzero) |
Ngày 15/1, Tổng thống Erdogan nói rằng, Thụy Điển và Phần Lan cần trục xuất và dẫn độ 130 đối tượng mà Ankara đưa vào danh sách khủng bố. Nếu không giao nộp những người này, Ankara sẽ không thể phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO.
Nhà lãnh đạo cũng yêu cầu Thụy Điển cần có lập trường rõ ràng hơn đối với những phần tử mà họ coi là khủng bố, đồng thời cảnh báo, quỹ thời gian không còn nhiều để Ankara phê chuẩn việc gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu khi Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 5 tới.
Ngày 16/1, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cũng tuyên bố, Thụy Điển không thể kỳ vọng có được sự ủng hộ của Ankara đối với tư cách thành viên NATO nếu bỏ qua những hành động khiêu khích của các phần tử khủng bố.
Ông Bozdag nêu rõ: “Nếu Thụy Điển muốn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề gia nhập NATO, thì Thụy Điển phải thực hiện cam kết theo các thỏa thuận với Ankara”, được ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 6 năm ngoái.
Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, "một quốc gia phớt lờ những hành động khiêu khích của các phần tử khủng bố không thể mong đợi sự hỗ trợ từ Ankara trong quá trình gia nhập NATO. Cách tiếp cận này cần được xem xét lại”.
Theo văn bản được ký kết 3 bên giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia Scandinavia cam kết hỗ trợ Ankara về an ninh, bao gồm cả trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như dỡ bỏ các quy định hạn chế trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao cho Thụy Điển và Phần Lan danh sách những nhân vật liên quan khủng bố, song đến nay, tất cả các đối tượng này vẫn chưa được bàn giao cho Ankara.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó, tại thủ đô Stockholm, những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức vốn bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ - đã biểu tình, đồng thời có một số ngôn từ và cử chỉ xúc phạm đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nguồn tin cho biết, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại Ankara tới để trao công hàm phản đối liên quan hành động nói trên.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Şentop quyết định hủy chuyến thăm đã được lên kế hoạch của người đồng cấp Thụy Điển tới Ankara. Luật sư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đệ đơn lên Văn phòng Trưởng Công tố Ankara liên quan vụ việc và đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nhấn mạnh, hành động của PKK có nguy cơ gây phức tạp cho quá trình Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước, này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2/2023.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng mà Ankara truy nã, vì vậy cho rằng hai nước này cần làm nhiều hơn nữa trước khi đơn xin gia nhập NATO được chấp thuận.
Trước những cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết, nước này vẫn lạc quan trong việc được Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của NATO.
Trả lời họp báo, ông Kristersson nêu rõ: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn đang ở vị trí thuận lợi… Tình hình về các cuộc đàm phán, hay đúng hơn là việc triển khai bản ghi nhớ, đang diễn ra tốt đẹp".
| Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo trả đũa, Hy Lạp nói ‘hành động khiêu khích’ Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước láng giềng NATO đang ngày một căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ ... |
| Pháp muốn Thụy Điển, Phần Lan sớm vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ nói 'không vội' Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng sớm ... |
| Gia nhập NATO, Phần Lan sẽ không 'chơi' thứ vũ khí nguy hiểm; Thụy Điển tham gia lá chắn của liên minh Mới đây, Phần Lan khẳng định dù gia nhập NATO, nước này cũng sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân, trong khi Thụy Điển ... |
| Trừng phạt Moscow, nỗi đau do khủng hoảng năng lượng gây ra là có thật, châu Âu loay hoay ‘thoát Nga’ với nhiều ‘chiêu thú vị’ Khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và các lệnh trừng phạt Moscow từ phương Tây ngày càng dồn dập, dường như cả thế giới ... |
| Tình hình Ukraine: Kiev đón khách quý, tuyên bố sắp có 'đội quân UAV' Ngày 16/1, phái đoàn quan chức Mỹ đã tới thủ đô Kiev của Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp ... |