Đây là một tuần quan trọng đối với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU. Ngày 26/4, các nhà lập pháp EU sẽ thảo luận về mối quan hệ nhiều thăng trầm này, trong khi các Bộ trưởng Ngoại giao của khối sẽ thảo luận vào ngày 28/4.
Bên cạnh đó, tại hội nghị ở Strasbourg (Pháp), Hội đồng châu Âu cho biết họ đang xem xét lại tư cách của Thổ Nhĩ Kỳ do những bê bối từ cuộc đảo chính năm ngoái cũng như việc ông Erdogan gia tăng quyền lực.
EU lạnh nhạt, Thổ Nhĩ Kỳ bức xúc
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU vẫn chưa có tiến triển tích cực. Thậm chí, hai bên vẫn không ngừng chỉ trích và công khai mọi quan điểm bất đồng.
Việc Tổng thống Erdogan chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít” khi ngăn nhiều Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh nhằm vận động cộng đồng người Thổ ở nước ngoài cho cuộc trưng cầu ý dân vừa qua dường như đã đẩy quan hệ xuống mức khó có thể hàn gắn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận trong nhiều năm qua, EU luôn tìm cách trì hoãn hoặc không dành ưu tiên cho việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tư tưởng của lãnh đạo nhiều nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là một quốc gia Hồi giáo, trong khi đạo Hồi vẫn luôn là một mối lo canh cánh của EU. Việc EU chưa thực hiện cam kết miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh điều này.
Do đó, phản ứng quyết liệt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đối với những hành động này của EU là có thể hiểu được. Trong phát biểu khi đề cập đến Hiệp định Ankara năm 1954, ông Erdogan mạnh mẽ tuyên bố: “EU đang quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không quay lưng lại với bất cứ ai… Nếu họ không ứng xử một cách chân thành thì chúng ta phải tự tìm ra lối thoát. Tại sao phải chờ đợi lâu hơn? Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu tương tự như của Anh về vấn đề thành viên EU”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. (Nguồn: DPA) |
Ông Erdogan cũng dẫn chứng Brexit đã mang lại “bình an” và “một tương lai mới” cho nước Anh. Erdogan cũng nhắc đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, trong đó lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen đã đe dọa đưa Pháp ra khỏi EU và cho rằng khối này đang trên đường “tan vỡ và tan rã”.
Ankara - chốt chặn làn sóng khủng bố
Châu Âu đã đánh giá thấp vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn những người di cư từ các nước láng giềng Syria và Iraq. Gánh nặng đã đè lên vai Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực, bao gồm Lebanon và Jordan.
Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan khẳng định không có giải pháp cho cuộc xung đột Syria khi Tổng thống Bashar al-Assad vẫn nắm giữ quyền lực. Ông Erdogan cũng lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực với chính người dân của chính quyền Syria. Tổng thống Assad được hậu thuẫn bởi Iran, đối thủ "không đội trời chung" tại khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp mọi vấn đề với EU, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự tại Iraq và Syria “cho đến khi kẻ khủng bố cuối cùng được tiêu diệt”.