Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, nước này sẽ không dễ dàng đứng về bên nào trong các cuộc xung đột quân sự. (Nguồn: Reuters) |
Ông Erdogan quả quyết: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn ủng hộ và bảo vệ hòa bình, thực hiện các bước để củng cố hòa bình toàn cầu. Trên thực tế, đó là mục tiêu của chúng tôi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine".
Theo Tổng thống Erdogan, Ankara hiện sản xuất tất cả các loại vũ khí, không chỉ máy bay hay xe tăng mà còn có đạn dược, đáp ứng nhu cầu của đất nước và trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, họ hoàn toàn có thể dựa vào nguồn cung của chính mình.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và đang thực hiện các bước làm trung gian hòa giải nhằm đạt được một giải pháp hòa bình.
Ngoài ra, cho đến nay, Ankara vẫn chưa tham gia các biện pháp trừng phạt sâu rộng mà EU và Mỹ áp đặt đối với Nga.
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tuyên bố, họ chỉ có thể xem xét tham gia các biện pháp hạn chế nếu quyết định trừng phạt đến từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Cùng ngày, trong một họp báo, ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, cho biết, cơ quan này ủng hộ mọi nỗ lực nhằm mang lại hòa bình ở Ukraine.
Khi được hỏi về nội dung tuyên bố chung giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, người phát ngôn Haq nêu rõ, LHQ đánh giá cao mọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Ông nhắc lại cam kết của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres là nỗ lực hết sức có thể để thúc đẩy hòa bình ở Ukraine nếu các bên có thiện chí.
Theo người phát ngôn trên, ông Guterres vẫn tiếp tục liên lạc với cả các bên xung đột và trong các cơ quan của LHQ luôn có người tham gia các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng này.
Nhân chuyến thăm chính thức tới Nga trong các ngày 20-22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra tuyên bố chung, trong đó Bắc Kinh đánh giá cao thiện chí của Moscow thực hiện các nỗ lực nhằm nối lại sớm nhất có thể các cuộc đàm phán hòa bình cho vấn đề Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo nêu rõ, một hình thức đối thoại có trách nhiệm là con đường đúng đắn để tìm ra giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng Ukraine và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ các nỗ lực mang tính xây dựng có liên quan vấn đề này.