Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp tại Istanbul tháng 3 vừa qua. (Nguồn: Anadolu) |
Trả lời phỏng vấn kênh NTV, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế, chúng tôi sẽ thực hiện một chính sách cân bằng. Nếu LHQ phê chuẩn các biện pháp trừng phạt chống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải tham gia”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ cải cách LHQ, điều Tổng thống Tayyip Erdogan từng đề cập.
Cùng ngày, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cho rằng mối đe dọa của Nga liên quan đến việc gia tăng hành động quân sự ở khu vực Baltic, trong đó có vũ khí hạt nhân, là “không có gì mới”. Phát biểu với báo giới, bà nêu rõ: “Việc Nga đe dọa không có gì mới. Kaliningrad là một khu vực đã được quân sự hóa trong nhiều năm, và nằm ở vùng Baltic”.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas nhấn mạnh lâu nay Nga đã sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực Baltic.
Trả lời phỏng vấn đài BNS của Lithuania, ông khẳng định vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở vùng đất Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic kể từ trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay nổ ra: “Các mối đe dọa hiện tại của Nga dường như khá kỳ lạ, nhưng thực ra ngay cả khi không có tình hình an ninh hiện tại, họ (Nga) đã triển khai vũ khí cách biên giới Lithuania 100 km. Vũ khí hạt nhân luôn được bố trí ở Kaliningrad ... cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong khu vực, hoàn toàn nhận thức được điều này... Moscow sử dụng nó như một mối đe dọa”.
Vùng đất Kalinigrad của Nga trên bờ biển Baltic, nằm giữa hai nước thành viên NATO là Lithuania và Ba Lan.