Hình ảnh được cho là khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu chở hàng nước này đến Libya. (Nguồn: Keep Talking Greexe) |
Tàu chở hàng Bana cập cảng Tripoli hôm 29/1, một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không giữ lời trong việc chấm dứt can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Libya Ghassan Salame tố cáo các nhân tố nước ngoài tiếp tục can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya, tái hỗ trợ cho các bên tham gia xung đột, vi phạm những thỏa thuận quốc tế gần đây.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Salame cảnh báo, những hoạt động tái hỗ trợ cho hai bên đe dọa tạo ra những cuộc xung đột mới nguy hiểm hơn".
Báo cáo của ông Salame được đưa ra sau khi tại hội nghị quốc tế ở Berlin hôm 12/1 vừa qua, các bên đã đạt được những cam kết nhằm chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài và ngăn chặn các chuyến hàng chở vũ khí cho các bên tham chiến.
Cũng trong ngày 30/1, Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) chịu trách nhiệm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Libya thông báo, Algeria đề nghị tổ chức một Diễn đàn hòa giải quốc gia giữa các bên trong cuộc khủng hoảng ở Libya.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp ở Brazzaville của Ủy ban cấp cao về cuộc khủng hoảng ở Libya, Ủy ban AU đã lưu ý về đề nghị của Algeria để hòa giải các quan điểm khác nhau và thúc đẩy các bên trở lại đàm phán phù hợp theo các quyết định trước đây của AU về hòa giải ở Libya.
Ủy ban AU cam kết ủng hộ đối thoại chính trị Libya, nhất là một cuộc đối thoại khẩn cấp, tập hợp tất cả các bên Libya để thúc đẩy chấm dứt xung đột và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya.
Libya, một quốc gia giàu dầu mỏ, đã rơi vào hỗn loạn kể từ mùa Thu năm 2011 khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ sau một cuộc nổi dậy của người dân và sự can thiệp quân sự do Pháp, Anh và Mỹ lãnh đạo.
AU cũng như các nước láng giềng Libya đã không tán thành sự can thiệp nước ngoài này. Châu Phi đang chịu hậu quả trực tiếp từ cuộc xung đột ở Libya và đang tìm cách làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe hơn trong khủng hoảng Libya.