Hôm 21/1, một ngày sau khi tuyên bố chiến dịch lớn mang tên “Nhành Olive”, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tấn công mặt đất quy mô lớn chống lại các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngay sau đó đã tố cáo hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “hành hung tàn bạo”. Damascus lo ngại động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới, tàn phá nền hòa bình “mong manh” vừa được tái thiết ít tháng sau nhiều năm bạo lực triền miên.
Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. (Nguồn: Getty Images) |
Chiến dịch tấn công quân sự “Nhành Olive” chính thức được khởi động khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa hàng loạt xe tăng tràn qua biên giới, tiến vào tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn. Chiến dịch này hướng tới thiết lập “vùng an toàn” khoảng 30km từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bên trong lãnh thổ Syria.
Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khai hỏa tấn công YPG tại Afrin. Từ trước đến nay, YPG vẫn được coi là tổ chức khủng bố và luôn nằm trong mục tiêu phải quét sạch của Ankara. Trong khi với Mỹ, YPG lại chính là “người hùng” tại cuộc chiến chống Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây được coi là động thái “dằn mặt Mỹ” trong bối cảnh quan hệ đồng minh tại NATO đang có nguy cơ đổ vỡ.
Mục đích thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm làm suy yếu lực lượng YPG và gia tăng ảnh hưởng của nước này tại miền Bắc Syria, đồng thời ngăn chặn việc người Kurd ở Syria thành lập khu vực tự trị ở miền biên giới giữa hai nước.
Tuy nhiên, những toan tính từ phía Ankara vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế. Động thái này nhiều khả năng sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn tại Trung Đông, kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia liên quan. Không những thế, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin nguy cơ sẽ gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại nơi có đến 1 triệu người dân sinh sống.
Hơn nữa, động thái của Ankara đang cản trở hy vọng hòa bình le lói ở Syria. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Vladimir Shamanov nhận định chiến dịch chống lực lượng người Kurd tại Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ra những khó khăn nhất định cho Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria, dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày 29 - 30/1 tại Sochi (Nga).
Ngay lập tức, Ai Cập và Iran đã lên tiếng chỉ trích bước đi của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan là hành động vi phạm chủ quyền. Về phần mình, Pháp cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria. Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào chiến đấu chống phiến quân IS và không tiến hành hoạt động quân sự tại Afrin. Nga cũng bày tỏ quan ngại về vụ tấn công và cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình ở Afrin, Syria.
Trong khi cộng đồng quốc tế chưa có giải pháp ngăn chặn chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người dân Syria lại phải tìm đường trốn chạy khỏi các cuộc nã đạn, pháo trên mặt đất. Nền hòa bình ngắn ngủi tại quốc gia này lại một lần nữa rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.