📞

Thổ Nhĩ Kỳ-Israel: Thời thế thay đổi, ‘giọng điệu’ đổi thay?

Vĩnh An 08:08 | 23/09/2023
Có nhiều nguyên nhân để Thổ Nhĩ Kỳ ‘dịu giọng’ với Israrel và một trong những lý do đó là lợi ích kinh tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở New York, Mỹ ngày 20/9.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp nhau vào ngày 20/9 sau bài phát biểu của ông Erdoğan tại Liên hợp quốc (LHQ), trong đó ông nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với nhà nước Palestine.

Đôi bên cùng có lợi

Văn phòng truyền thông của Tổng thống Erdoğan đã đăng các bức ảnh lên nền tảng X, cho thấy hai nhà lãnh đạo ngồi gần nhau và có sự tham gia của các quan chức chủ chốt như ngoại trưởng và người đứng đầu cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc gặp, Tổng thống Erdoğan cho biết đất nước của ông có thể hợp tác với Israel về năng lượng, công nghệ, đổi mới, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.

Thông cáo của Văn phòng truyền thông của Tổng thống Erdoğan có nội dung: “Trong cuộc gặp, các vấn đề quốc tế và khu vực, quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước cũng như những diễn biến mới nhất liên quan đến xung đột Israel-Palestine đã được thảo luận”.

Omer Özkizilcik - nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Ankara - lý giải có nhiều lý để hai bên xích lại gần nhau hơn. Thứ nhất, đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành trung tâm năng lượng cho khí đốt của Israel và giúp xuất khẩu sang châu Âu. Ông Özkizilcik nhận định: “Nhận thấy các lợi ích phù hợp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và năng lượng, ông Netanyahu và Erdoğan đã gác lại những bất đồng trong quá khứ và hành động với tư cách là những lãnh đạo quốc gia”.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng trò chuyện với tỷ phú doanh nhân công nghệ Elon Musk, thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tổng thống Erdoğan khuyến khích tỷ phú Elon Musk xem xét việc xây dựng nhà máy Tesla ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối mặt với nhiều năm khó khăn về kinh tế và cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến gánh nặng nợ nần leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tìm kiếm đầu tư nước ngoài, động lực do Tổng thống Erdoğan dẫn đầu.

Nhiều dấu hiệu tích cực

Tài khoản mạng xã hội của Thủ tướng Israel trên nền tảng X cho thấy các chuyến thăm lẫn nhau sắp tới nhằm mục đích củng cố mối quan hệ mới giữa hai quốc gia, đồng thời cũng lưu ý các cuộc thảo luận về bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia, một quốc gia khác mà Ankara gần đây đã hàn gắn quan hệ. Tài khoản mạng xã hội trên cho biết: “Các nhà lãnh đạo đã quyết định tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong các vấn đề thương mại, kinh tế và năng lượng”.

Ông Ryan Bohl - nhà phân tích về Trung Đông và Bắc Phi tại mạng lưới tư vấn rủi ro RANE - cho rằng cuộc gặp nhìn chung mang lại kết quả tích cực đối với Israel và đó là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã dịu giọng hơn trong các vấn đề của người Palestine trong bối cảnh quan hệ với nước này được cải thiện.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Erdoğan tuyên bố rằng một nhà nước Palestine cũng sẽ có lợi cho Israel. Điều này đánh dấu một giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với những bình luận trước đây của ông, khi ông gọi Israel là “quốc gia khủng bố”.

Mối quan hệ giữa hai nước trước đó đã rạn nứt vào năm 2010 sau cuộc đột kích chết người của Israel vào một tàu chở các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ tới Dải Gaza.

Ankara phản ứng quyết liệt, tiến hành xét xử vắng mặt bốn sĩ quan quân đội cấp cao Israel liên quan vụ tấn công trên.

Căng thẳng leo thang, hai bên liên tục tung ra những lời chỉ trích nhằm vào nhau. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là kẻ chuyên quyền và giết hại trẻ em, thì ông Netanyahu thì cáo buộc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ độc tài vì tội diệt chủng người Kurd.

Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trục xuất đại sứ của nhau sau khi Israel trấn áp các cuộc biểu tình của người Palestine khiến 60 người thiệt mạng.

Sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang tiến những bước đầy triển vọng, được xem là tất yếu trong bối cảnh hai quốc gia thúc đẩy tìm kiếm lợi ích kinh tế và xu thế cải thiện quan hệ giữa các nước từng có vướng mắc đang diễn ra mạnh mẽ.

(theo themedialine.org, middleeasteye)