📞

Thổ Nhĩ Kỳ: Phát hiện thành phố ngầm 18 tầng nhờ... đàn gà đi lạc

11:06 | 17/06/2023
Trải dài ở độ sâu cách mặt đất hơn 85m tại khu vực Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ là một mạng lưới đường hầm và những ngôi nhà như hang động. Khu phức hợp này gồm 18 tầng, từng là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người.
Địa hình khu vực Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với những ngôi nhà dưới lòng đất. (Nguồn: BBC)

Đây là thành phố cổ Derinkuyu bị bỏ hoang suốt nhiều thập niên. Cho tới những năm 1960, một người đàn ông địa phương nhận thấy đàn gà của mình bỗng nhiên "biến mất" một cách kỳ lạ trong khu tầng hầm mà gia đình từng tự làm trước đó.

Người đàn ông quyết định đánh sập một bức tường và tìm thấy đường hầm. Sự vô tình này đã mở ra một thành phố ngầm rộng lớn dưới lòng đất bị lãng quên suốt thời gian dài.

Sau đó, hơn 600 lối vào thành phố cổ được tìm thấy trong nhà của người dân trong vùng.

Theo Bộ Văn hóa Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố cổ Derinkuyu được những người Phrygian trong khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên xây dựng. Lần đầu tiên công trình được nhắc tới trong một tài liệu cổ vào năm 370 trước Công nguyên.

Các chuyên gia cho biết, khu vực Cappadocia sở hữu địa hình đặc biệt, phù hợp với những loại nhà dưới lòng đất. Do kiến tạo địa chất được hình thành từ loại đá tro núi lửa khô và mềm giúp dễ chạm khắc và đào hầm bằng những công cụ đơn giản.

Nơi này từng được sử dụng trong khoảng 1.000 năm. Ban đầu, công trình được xây dựng với mục đích để cất giấu kho lương thực, sản xuất rượu vang và ép dầu. Sau này trở thành nơi để người dân ẩn náu khỏi những cuộc xâm lược và xung đột.

Đường hầm có bậc thang dẫn xuống các tầng của thành phố Denrinkuyu. Nơi này từng là khu vực sinh sống của khoảng 20.000 người. (Nguồn: News).

Với cách thiết kế này, vào thời kỳ đỉnh cao, Derinkuyu là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người.

Tới những năm 1920, thành phố bị người Hy Lạp ở Cappadocia bỏ hoang khi họ sơ tán sang Hy Lạp trong thời kỳ chiến tranh giữa Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi được phát hiện, các chuyên gia còn khai quật được nhiều khu vực xây dựng với các mục đích khác nhau. Bên cạnh đó còn có nhà thờ nhỏ để các tín đồ tới cầu nguyện và một trường học tôn giáo.

Năm 1985, thành phố cổ Derinkuyu được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, thu hút lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới về tham quan.

(theo Dân trí)