📞

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nhà thầu Trung Quốc

15:59 | 16/11/2015
Ngày 15/11, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hủy kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, trị giá 3,4 tỉ USD.
Một phần hệ thống tên lửa HongQi-9 của Trung Quốc. (Nguồn: al-Monitor)

Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho hay, dự án đã được hủy bỏ. “Thủ tướng đã ký quyết định hủy kế hoạch trong tuần này”, quan chức này cho biết. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của riêng mình.

Hồi năm 2013, Ankara đã chọn Tập đoàn Xuất nhập khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) là nhà cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, dẫn đến sự lo ngại của Mỹ và phương Tây.

NATO từng tuyên bố, các hệ thống tên lửa triển khai trong phạm vi liên minh quân sự này phải tương thích với nhau. Trước áp lực từ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ không tìm cách tích hợp hệ thống của Trung Quốc vào NATO.

Cũng theo Reuters, một số quan chức về công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trở ngại lớn đối với thỏa thuận là Bắc Kinh không muốn chuyển giao công nghệ cho Ankara biết tự vận hành hệ thống và cuối cùng có thể phát triển hệ thống thay thế nó. Do đó, Ankara đang lên kế hoạch tự chế tạo hệ thống phòng thủ riêng.

Việc Ankara và Bắc Kinh phối hợp sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần quan trọng trong kế hoạch nói trên, do Thổ Nhĩ Kỳ muốn chế tạo hệ thống phòng không tầm xa của riêng nước này để đối phó với các máy bay và tên lửa của kẻ thù.

Nhà phân tích Merve Seren (Viện nghiên cứu Seta - Mỹ), nhận định, hệ thống FD-2000 mà Trung Quốc cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tương đương với công nghệ Patriot của Mỹ.

Trong hồ sơ dự thầu còn có Tập đoàn Lockheed Martin và Tập đoàn Raytheon của Mỹ với hệ thống phòng thủ Patriot, Tập đoàn Eurosam của Pháp - Italy, Nhà sản xuất SAMP/T. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cân nhắc các lựa chọn trên sau khi nói không với CPMIEC.

Phú Hà (tổng hợp).