Thành công trong kinh doanh của Francois Pinault không dựa trên bất cứ một triết lý hay bài học kinh doanh nào từ sách vở hay trường kinh tế, ngoại trừ nguyên lý muôn thuở của giới thương nhân đó là “mua thấp, bán cao”. Nhưng không phải ai cũng có thể làm giàu được từ nguyên lý tưởng như đơn giản đó. Pinault với bản năng của một “thợ săn”, đã biết cách dùng tiền của người khác để sinh lợi cho bản thân mình một cách chính đáng và hợp lý.
Sau khi bỏ học trường phổ thông ở Brittany năm 16 tuổi, ông tham gia công việc kinh doanh đồ gỗ cùng với bố. Trong quá trình giúp đỡ gia đình, ông đã tích cực học hỏi những kinh nghiệm kinh doanh từ thực tế, và chính thực tế cùng bản năng kinh doanh bẩm sinh đã giúp ông có được những bài học lớn tạo nên thành công sau này.
Những năm 1970, Pinault đã trở thành một doanh nhân trưởng thành tuy không có nhiều vốn liếng để đầu tư làm ăn lớn. Thật may mắn, Chính phủ Pháp có chính sách cung cấp cho các nhà kinh doanh như Pinault cơ hội để mua lại những công ty tư nhân đang thua lỗ với giá cực rẻ. Pinault dần dần đã tăng tài sản bằng cách vay tiền mua các công ty theo cách này, sau đó dùng sự trợ giúp của chính phủ để bán chúng với lợi nhuận cao. Khi bán lại các công ty và cửa hàng này, ông dùng số tiền đó để trả nợ và giữ lại được cho mình một khoản lời béo bở để đầu tư tiếp vào những phi vụ khác.
Cứ như vậy, Pinault theo đuổi chiến lược đó của mình trong suốt quãng thời gian làm kinh doanh của mình. Không chỉ mua lại những công ty thua lỗ và những cửa hàng nhỏ. Khi đã có danh tiếng, ông bắt đầu sử dụng các khoản vay để thu về những tên tuổi lớn trong thị trường. Năm 1987, ông bất ngờ bỏ ra 120 triệu USD, phần lớn là tiền vay mượn, để mua La Chapelle-d’Arblay, một công ty sản xuất giấy ở Normandy, sau đó ông thu lời 90 triệu USD, ba năm sau khi ông bán đi. Năm 1992, sau khi bán một chuỗi cửa hàng ở Conforama với giá 775 triệu USD cho Printemps, ông đã dùng khoản tiền đó mua 66% Printemps.
Những phi vụ động trời khác của Pinault còn phải kể đến việc ông tiếp tục vay tiền và trả 1,9 tỷ USD để mua hơn 20 công ty của Mỹ, từ công ty giày Converse và Florshiem tới nhãn hiệu hành lý Samsonite và khu trượt tuyết ở Vail. Năm 2004, ông có toàn quyền sử dụng nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Gucci sau một phi vụ mua bán lâu dài và phải đấu tranh quyết liệt với tập đoàn LVMH giành quyền sở hữu Gucci. Sau Gucci, Christie’s cùng vô số các nhãn hiệu hàng hóa cao cấp khác cũng thuộc quyền sở hữu của nhà kinh doanh tài năng này.
Hiện nay tỷ phú Francois Pinault đã bước sang tuổi 62 và ông đã xây dựng được một đế chế ở cả hai bờ Thái Bình Dương với hàng trăm cửa hàng và công ty. Ông là người có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới. Đặc biệt, ông còn được so sánh với một người bạn thân nổi tiếng của mình là cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, bởi trước khi trở thành Tổng thống Pháp, Chirac đứng cuối cùng trong số các ứng cử viên với số phiếu bầu thấp nhất. Còn Pinault, trước khi trở thành tỷ phú giàu thứ hai nước Pháp, thì ông chỉ là một con số 0 tròn trĩnh trong giới doanh nhân.
Kim Anh (gt)