📞

Thỏa thuận Facebook-Australia và tương lai nào dành cho ngành truyền thông thế giới?

Chu Văn 14:48 | 27/02/2021
TGVN. Bất kể Facebook sẽ giành lợi thế hay Canberra giữ được chủ kiến của mình, chắc chắn tương lai của ngành công nghiệp báo chí toàn cầu sẽ chứng kiến những thay đổi đáng kể.
Australia đang cùng với Pháp và các chính phủ khác thúc ép Google, Facebook và các "gã khổng lồ" internet khác phải trả tiền cho nội dung tin tức. (Nguồn: Fox News)

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa “gã khổng lồ” Facebook và chính phủ Australia xung quanh dự luật yêu cầu các hãng công nghệ lớn phải trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông nội địa đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, với nhiều triển vọng về một kết quả có phần hòa hoãn cho cả hai bên.

Theo nhận định của các chuyên gia, bất kể Facebook sẽ giành lợi thế hay Canberra giữ được chủ kiến của mình, chắc chắn tương lai của ngành công nghiệp báo chí toàn cầu sẽ chứng kiến những thay đổi đáng kể, khi các “ông lớn công nghệ” ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực truyền thông.

Báo chí và mạng xã hội

Cuối tháng 3/2020, hãng thông tấn quốc gia Australia (AAP) bất ngờ tuyên bố sẽ đóng cửa sau 85 năm hoạt động. Lý do mà AAP đưa ra là vì tình hình tài chính khó khăn.

Giám đốc điều hành AAP, Bruce Davidson, cho biết các cổ đông, bao gồm nhiều hãng truyền thông lớn như Nine, News Corp Australia, The West AustralianAustralian Community Media, nhìn nhận hoạt động kinh doanh của AAP không còn khả thi như trước, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng gia tăng số lượng nội dung tin tức trực tuyến miễn phí.

Theo ông Davidson, các hãng truyền thông trên toàn thế giới đang phải chịu một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, đến từ các nền tảng mạng xã hội và kênh trực tuyến miễn phí. Rất nhiều tòa soạn phải đóng cửa, cắt giảm việc làm hoặc thu hẹp quy mô.

Tại Australia, trong vòng 3 năm gần đây, đã có hơn 100 tòa soạn tin tức địa phương tuyên bố ngừng xuất bản, một số các hãng truyền thông lớn tiến hành giải thể và sáp nhập.

Ông Davidson nói: "Quá nhiều khách hàng của chúng tôi đang dựa vào Google và Facebook để tìm kiếm thông tin”.

Tại Hội nghị Điều tra Nền tảng kỹ thuật số năm 2019, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) công bố một báo cáo điều tra kéo dài 18 tháng cho thấy có sự mất cân bằng quyền lực giữa các nền tảng mạng xã hội và các công ty truyền thông, đe dọa khả năng tồn tại của các doanh nghiệp tin tức.

Báo cáo chỉ ra rằng doanh thu quảng cáo trên các phương tiên truyền thông tại “xứ Chuột túi” đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong vòng 15 năm qua, từ mức 3,7 tỷ đôla Australia (AUD), tức là khoảng 2,92 tỷ USD, xuống còn 225 triệu AUD (177,75 triệu USD) vào năm 2016. Trong khi, ước tính cứ 100 AUD chi cho quảng cáo trực tuyến thì 53 AUD sẽ rơi vào túi của Google, 28 AUD dành cho Facebook và chỉ có 19 AUD dành cho tất cả các đơn vị còn lại.

Chỉ tính riêng năm 2019, khoản doanh thu mà Facebook, Google và Amazon kiếm được tại quốc gia lớn nhất châu Đại Dương đã cao hơn nhiều lần so với nguồn thu ngân sách của chính phủ.

Không những vậy, việc các “ông lớn” công nghệ ngày càng gây ảnh hưởng nhiều hơn tới hoạt động cung cấp thông tin cho người dùng làm dấy lên nỗi lo về vấn nạn thông tin giả và độc hại.

Chủ tịch AAP Campbell Reid khẳng định, việc thay thế nguồn thông tin chuyên nghiệp và được kiểm chứng bởi các hãng truyền thông danh tiếng bằng các thông tin không được kiểm chứng trên các nền tảng kỹ thuật số là một sự mất mát đối với người dùng, mà xa hơn nữa sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với quốc gia và thế giới.

Các nhà quản lý vào cuộc

Nhằm bảo vệ ngành truyền thông trong nước và nỗ lực kiểm soát các công ty công nghệ toàn cầu, Australia đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc đưa ra dự luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải trả phí sử dụng nội dung tin tức cho các hãng truyền thông địa phương.

Dự luật có tên Luật Đàm phán truyền thông, được chính phủ Australia công bố vào tháng 3/2020, nhấn mạnh các công ty công nghệ phải ký thỏa thuận thương mại về việc trả tiền cho nội dung tin tức với các tổ chức báo chí nội địa trong một thời hạn nhất định.

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì Canberra sẽ ban hành Bộ Quy tắc thương lượng truyền thông bắt buộc. Trong trường hợp không tuân thủ Bộ Quy tắc, các công ty công nghệ sẽ phải chịu án phạt lên tới 10 triệu AUD hoặc tương đương 10% doanh thu hàng năm ở Australia.

Dự luật của chính phủ Australia lập tức thu hút sự chú ý của thế giới và nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều các chính phủ khác, đặc biệt là Pháp, một quốc gia cũng đang theo đuổi kế hoạch kiểm soát các đại gia công nghệ trong lĩnh vực truyền thông.

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận từ khắp các quốc gia hàng đầu thế giới, Google và Facebook, hai "gã khổng lồ" công nghệ là mục tiêu chính theo dự luật nói trên, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối.

Cả hai công ty này đều lập luận rằng, dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa các nền tảng mạng xã hội và các nhà xuất bản truyền thông, cũng như không phù hợp với cơ chế vận hành và kinh doanh của các công ty công nghệ.

Facebook khẳng định, năm 2020, mạng công nghệ này tạo ra khoảng 5,1 tỷ kết nối miễn phí tại Australia, có giá trị ước tính lên tới 407 triệu AUD (321,53 triệu USD) cho các đơn vị báo chí địa phương. Nhưng những lợi ích thu được từ việc chia sẻ nguồn thông tin trên mạng xã hội Facebook với các đơn vị báo chí địa phương là rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu của công ty.

Facebook cho rằng Bộ Quy tắc thương lượng truyền thông bắt buộc mà Canberra theo đuổi đang thiên về hướng có lợi nhiều hơn cho các hãng truyền thông. Đến tháng 9/2020, Facebook thông báo có thể sẽ xóa bỏ nội dung tin tức của các tổ chức truyền thông Australia khỏi nền tảng mạnh xã hội của mình, nhưng không cho biết chính xác thời điểm thực hiện.

Tương tự Facebook, Google cũng đã nhiều lần công khai phản đối kế hoạch của chính phủ Australia. Giám đốc điều hành Google tại Australia và New Zealand - Mel Silva, ngày 22/1, lên tiếng đe dọa sẽ rút hoạt động của công cụ tìm kiếm Google Search ra khỏi Australia nếu dự thảo luật tiếp tục được triển khai.

Tuy nhiên, trong khi Google quyết định thay đổi chiến thuật với cách tiếp cận có phần “mềm mỏng” hơn và cuối cùng là đạt được thỏa thuận với Canberra ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật của Hạ viện Australia ngày 16/2, thì Facebook đã bất ngờ leo thang căng thẳng vào ngày 18/2.

Nền tảng công nghệ hàng đầu của Mỹ chủ động loại bỏ toàn bộ các trang tin tức của Australia trên nền tảng của công ty, bao gồm cả các trang thông tin dịch vụ công, cũng như các trang cập nhật thông tin về y tế, đại dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng. Động thái này ngay lập tức trở thành “cú nổ” lớn tại Australia, cũng như trên toàn thế giới.

Sau các cuộc thảo luận kéo dài, chính phủ Australia đã đưa ra một số sửa đổi đối với Bộ quy tắc và sáng 26/2 Facebook đã đồng ý khôi phục nội dung trên các trang của các hãng truyền thông Australia.

Sẽ còn đối đầu căng thẳng

Cuộc chiến giữa các hãng công nghệ toàn cầu và giới truyền thông báo chí Australia đã chính thức chuyển thành cuộc đối đầu giữa các nền tảng công nghệ khổng lồ và chính phủ.

Thủ tướng Scott Morrison đăng đàn chỉ trích hành động của Facebook thể hiện “sự kiêu ngạo” và ông không "sợ" bị nền tảng truyền thông xã hội khổng lồ này "bắt nạt".

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg tuyên bố nước này sẽ không lùi bước trước Facebook, đồng thời kêu gọi "gã khổng lồ công nghệ" nhanh chóng quay lại bàn đàm phán.

Rất nhiều các quốc gia khác cũng đã công khai ủng hộ lập trường cứng rắn của Australia, như Anh, Canada, châu Âu… Trong đó, Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Steve Guilbeault khẳng định động thái của Facebook sẽ không ngăn cản nước này tiếp nối Australia, triển khai quy định yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải trả phí sử dụng tin tức cho các hãng truyền thông báo chí.

Sau những tuyên bố cứng rắn trên truyền thông kéo dài từ 18-23/2, mạng xã hội trực tuyến Facebook mới đây nhất thông báo sẽ sớm dỡ bỏ việc chặn tin tức của các tổ chức báo chí Australia sau khi Canberra chấp thuận thực hiện một số thay đổi và đảm bảo giải quyết những mối lo ngại chính của công ty, đặc biệt là về các thỏa thuận thương mại phải thừa nhận giá trị mà nền tảng xã hội này mang lại cho các hãng truyền thông.

Cụ thể, việc sửa đổi bổ sung bao gồm điều khoản cho phép Facebook và các cơ quan báo chí thực hiện quá trình hòa giải trong vòng 2 tháng nếu xảy ra tranh chấp để đạt một thỏa thuận riêng. Nếu sau 2 tháng hòa giải không đạt kết quả, chính phủ Australia mới được chỉ định một bên trọng tài can thiệp.

Ngoài ra, một điểm sửa đổi khác nữa là chính phủ Australia sẽ phải thông báo trước cho nền tảng công nghệ nếu quyết định áp dụng bộ quy tắc đối với nền tảng này và phải xem xét tất cả các thỏa thuận mà công ty sở hữu nền tảng này đã ký kết và thực hiện.

Vẫn còn một khoảng thời gian nữa trước khi các cuộc đàm phán giữa Facebook với chính phủ Australia và các hãng truyền thông báo chí sở tại đi đến kết quả cuối cùng. Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán Facebook sẽ hành động theo hướng đi tích cực của Google, đó là xây dựng một ứng dụng kênh thông tin riêng của công ty.

News Showcase là mô hình trả tiền mua tin mà Google đã triển khai ở Anh, Đức, Brazil Argentina, Canada, Nhật Bản và mới nhất là ở Pháp. Google dự kiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho mô hình này trên toàn cầu.

Tại Australia, Google thông báo đã đạt được thỏa thuận cung cấp nội dung tin tức với gần 50 hãng báo chí lớn của Australia, bao gồm cả một số “ông lớn” trong ngành báo chí nội địa, như: News Corp, Tập đoàn Nine, Seven West Media, Crikey, The Saturday Paper, Australia Community Media và sắp tới có thể là cả tuần báo Guardian Australia và kênh truyền thông ABC.

Trước đó, Canberra cũng đã đồng ý rằng Google và Facebook sẽ không phải trả phí cho các tin bài của hãng tin tức địa phương Australia xuất hiện trên hai dịch vụ tin tức riêng của hãng là Google News Showcase và Facebook Newsfeed.

So về giá trị vốn hóa 1,4 nghìn tỷ USD của Alphabet, công ty mẹ của Google, quy mô nền kinh tế Australia nhỏ hơn nhiều. Nhưng việc đạt được thỏa thuận giữa Google và Canberra là rất quan trọng, vì nó sẽ trở thành tiền lệ để các chính phủ khác đưa ra quy định áp chế những "gã khổng lồ" Internet.

Cuộc đối đầu giữa các đại gia công nghệ toàn cầu và những chính phủ sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, với sự tham gia không chỉ của Australia, mà còn có cả chính phủ nhiều nước khác nữa. Nhưng chắc chắn với sự vào cuộc của Google News Showcase, Microsoft Bing và có thể sắp tới đây là Facebook News (nếu nền tảng công nghệ này triển khai dịch vụ tương tự Google), thị trường truyền thông thế giới sẽ chứng kiến nhiều thay đổi mới, trong một tương lai không xa.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ông Reid đã từng đề cập đến, đó là thế giới sẽ tiếp tục duy trì một nền báo chí, truyền thông được kiểm chứng và đáng tin cậy, góp phần đẩy lùi vấn nạn tin giả, tin độc hại.

(theo TTXVN)