📞

Thỏa thuận Fatah-Hamas: Nội trước, ngoại sau

14:35 | 13/05/2011
Có ý kiến cho rằng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ký thỏa thuận với người đứng đầu Phong trào Hồi giáo Hamas Khaled Mashaali hồi tuần trước là để thách thức Israel và thể hiện sự tức giận với Mỹ. Nhưng thực ra, ông có nhiều lý do hơn để làm điều đó…
Ảnh minh họa

Phóng viên Dan Ephron của tạp chí Newsweek đã tường thuật lại sự thất vọng của ông Abbas đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi không gây đủ áp lực buộc Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây. "Chính là ông Obama đề nghị ngừng hoàn toàn các khu định cư. Tôi đồng ý. Cả hai chúng tôi đều đã leo lên một cái cây. Sau đó, ông ấy leo xuống, cất thang và bảo tôi: Nhảy đi. Đã ba lần như thế rồi".

Trên thực tế, tình trạng "đóng băng" của tiến trình hòa bình Trung Đông khiến ông Abbas có lẽ không thể trông chờ thêm vào Mỹ. Ít nhất thì trong 18 tháng tới, ông Obama sẽ phải tập trung vào chiến dịch tái cử và từ trước đến nay chưa có ứng cử viên tổng thống Mỹ nào muốn mạo hiểm để mất lá phiếu từ những cử tri thân Israel. Thêm vào đó, có vẻ như chính những thay đổi tại khu vực cũng đã khiến hai phái chính trị ở Palestine đi đến bắt tay thỏa hiệp với nhau. Các cuộc biểu tình, nổi dậy tại Ai Cập đã phá vỡ liên minh kéo dài hàng thập kỷ giữa ông Abbas với cựu Tổng thống Hosni Mubarak; về phần mình, Hamas cũng tìm cách chuyển tổng hành dinh lưu vong của họ khỏi Syria, khi Tổng thống Bashar al-Assad đang phải vật lộn để kiểm soát cuộc nổi dậy của người dân.

Trong khi đó, những điều khoản sơ bộ của thỏa thuận ký ngày 4/5 như thành lập chính phủ lâm thời để mở đường cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong vòng một năm tới, chấm dứt sự chia rẽ giữa khu Bờ Tây và Dải Gaza… sẽ là "những viên gạch nền" thích hợp cho kế hoạch của Palestine nhằm tuyên bố thành lập một nhà nước độc lập tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới. Kế hoạch này đã nhận được một "cú huých lớn" hồi tháng 4, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một báo cáo kết luận rằng chính quyền Palestine thực hiện đủ những cải cách kinh tế và hành chính để chịu trách nhiệm về một quốc gia có chủ quyền.

Dĩ nhiên Israel chẳng vui vẻ gì khi thấy phái Fatah của ông Abbas và phái Hamas bắt tay nhau. Những biến động tại khu vực đang khiến chính phủ Tel Aviv cảm thấy bị cô lập và nghi ngờ bất kỳ động thái mới nào trên chính trường Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, thỏa thuận là một đòn giáng mạnh vào tiến trình hoà bình, rằng không thể có hòa bình với một chính phủ trong đó có một nửa kêu gọi hủy diệt Israel và ca ngợi cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden là "tử vì đạo" (ám chỉ các tuyên bố của Hamas).

Mỹ cũng đang phải đối mặt với một tình huống "tiến thoái lưỡng nan" khi chính quyền Obama vẫn khăng khăng cho rằng con đường dẫn tới một nhà nước Palestine phải đi qua các cuộc thương thuyết, chứ không phải thông qua một tuyên bố đơn phương. Một tuyên bố như vậy có thể khiến Washington lúng túng khi phải quyết định từ chối việc công nhận nhà nước này, trong khi vẫn tìm cách khởi động lại tiến trình thương thuyết sau khi "vạch giới hạn đỏ" đã bị vượt qua.

Bản thân giữa hai phái Fatah và Hamas vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thương lượng trong tâm trạng hoài nghi của nhiều người Palestine. Tháng 2/2007, Fatah và Hamas cũng đã từng ký thỏa thuận giải quyết bất đồng ở Mecca (Saudi Arabia). Nhưng chỉ 3 tháng sau, hai bên lao vào cuộc nội chiến, kết thúc với việc Hamas kiểm soát Gaza. Trong nhiều mặt, thỏa thuận Cairo giống với thỏa thuận Mecca với nhiều chi tiết mù mờ để lại nhiều nghi vấn khi thực hiện, như việc không đề cập đến các cuộc bầu cử địa phương ngày 9/7 tới mà phái Fatah lạc quan sẽ thắng cử còn Hamas thì lại muốn trì hoãn.

Israel đang lo ngại cuộc bầu cử chung ở Palestine vào năm tới sẽ khiến Hamas kiểm soát nốt khu Bờ Tây. Nguy cơ tuyên bố độc lập cho Palestine bị Mỹ phủ quyết tại LHQ sẽ có thể khiến người Palestine nổi giận. Với việc Hamas vẫn tiếp tục kêu gọi "xóa sổ" Israel, có người cho rằng có lẽ thế giới nên sẵn sàng đón nhận một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Ưu tiên "nội trước, ngoại sau", có vẻ như ông Abbas đang đặt cược quá nhiều vào thỏa thuận lần này. Nhưng ít nhất, ông cũng đã nhận được điều mình muốn, đó là Hamas đã chấp nhận ông là Tổng thống của Palestine, đồng ý cho Fatah tiếp tục hợp tác an ninh với Israel ở Bờ Tây và hoạt động chính trị tại Gaza. Khi đến LHQ vào cuối năm nay để kêu gọi quốc tế công nhận nhà nước Palestine, ông có thể ngầng cao đầu trước những lời châm chọc rằng ông chỉ đại diện cho một nửa đất nước.

Minh Khôi