(Ảnh minh hoạ) |
Vậy là, Iran - đất nước sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư và trữ lượng khí gas thứ hai trên thế giới sẽ lại bán được tài nguyên năng lượng của mình. Mặc dù vậy, nguồn dầu mỏ Iran được dự báo sẽ chỉ tác động vào một thị trường đã dư nguồn cung và phần lớn các nhà phân tích cho rằng, sẽ không có một tác động lớn trong dài hạn đối với giá dầu. Các chuyên gia dự báo, sẽ có sự điều chỉnh giá dầu ngay sau khi bỏ cấm vận, nhưng Iran phải mất nhiều tháng để khôi phục sản xuất do các công ty dầu lửa lớn đã rời khỏi đất nước này từ năm 2012.
Phản ứng đầu tiên là trong ngày 14/7, dầu Brent đã giảm 2,5%, xuống dưới mức 57 USD/thùng. Giả định rằng các lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ dần dần, nhưng khi chúng được thực hiện nhanh hơn và cho phép Iran bán ra lượng dự trữ của mình, dự tính là 157.800 triệu thùng, thì đà giảm giá sẽ mạnh hơn, theo Bloomberg. Mặc dù vậy, việc duy trì kịch bản giá dầu hạ sẽ tiếp tục làm lợi cho các nền kinh tế của các khu vực như châu Âu, nơi mà áp lực lạm phát thấp, có thể giữ được tỷ lệ lãi suất chuẩn ở mức thấp.
Với việc các biện pháp trừng phạt bị dỡ bỏ, năm tới, Iran có thể cung cấp thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày cho thị trường. Mặc dù công suất hiện tại của Iran là 2,8 triệu thùng dầu/ngày, nhưng người ta cho rằng, nước này cần ít nhất 200 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng để bù đắp cho những trì trệ trong suốt một thập kỷ bị cô lập. Các công ty dầu lửa như BP, Shell, và Repsol (từng hoạt động ở Iran trước khi nước này bị trừng phạt), và Total, Statoil và Lukoit,... có thể là các công ty dầu lửa đầu tiên sẽ tái khởi động các dự án đã không được triển khai tại đây trong 3 năm qua.
Bên cạnh những tác động lên lĩnh vực năng lượng, việc mở cửa thị trường Iran cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là một sự thúc đẩy đối với ngành ô tô và ngành hàng không dân dụng, các công ty bán hàng tiêu dùng, thực phẩm và thuốc lá, ô tô và các phụ kiện xa xỉ sẽ được hưởng lợi từ gần 80 triệu người tiêu dùng.
Những công ty châu Âu được cho là có lợi thế trong tranh thủ những thay đổi này về khoảng cách về địa lý và do mối quan hệ thân thiết với Iran (như Pháp). Họ từng hiện diện ở Iran nên hiện nay sẽ có vị thế tốt hơn. Một số trường hợp điển hình như Renault và Peugeot (Iran là thị trường lớn thứ hai của hai hãng xe này trước khi bị cấm vận), các công ty thực phẩm Danone và Nestle, hoặc các nhãn hiệu thời trang như Prada, hay LVMH...
Tác động của việc dỡ bỏ trừng phạt cũng tác động rất lớn tới thị trường chứng khoán Iran trong năm 2016. Các chuyên gia cho rằng trong năm đầu tiên, thị trường chứng khoán nước này sẽ thu hút khoảng 1 tỷ USD.
Lệ Chi (tổng hợp)