Ngoại trưởng Mỹ cho biết, 'con đường ngoại giao hiện đã mở' về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. (Nguồn: AFP) |
Ngoại trưởng Blinken khẳng định: "Con đường ngoại giao hiện đã mở. Iran vẫn chưa tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy chúng tôi sẽ phải theo dõi những việc họ làm".
Khi được hỏi về việc liệu đã có bước tiến nào nhằm nối lại đối thoại trực tiếp giữa Washington và Tehran hay chưa, Ngoại trưởng Blinken cho biết, quan điểm của Tổng thống Biden là nếu Iran quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 thì Mỹ cũng sẽ làm như vậy. Theo ông Blinken, nếu có bất kỳ tiếp xúc nào giữa hai bên về vấn đề này thì sẽ cần đến ngoại giao.
Năm 2018, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẽ làm giàu urani lên mức 20% nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của Washington.
Trong khi đó, cùng ngày, Đại sứ Israel tại Mỹ Gilad Erdan ngụ ý, Israel và Mỹ sẽ đi theo hai lộ trình khác nhau trong chính sách với Tehran nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quay trở lại JCPOA.
Trao đổi với Đài phát thanh quân đội Israel, Đại sứ Erdan nêu rõ: “Chúng ta sẽ không thể là một phần của một tiến trình như vậy nếu chính quyền mới của Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran..."
Đại sứ Israel cho rằng, nếu Mỹ quay trở lại JCPOA thì sẽ mất hết mọi lợi ích. "Về bản chất, khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thì người Iran sẽ không còn động lực thực tế để đàm phán và tiến tới một thỏa thuận mà thực sự loại bỏ được năng lực hạt nhân của Iran”, nhà ngoại giao này nhận định.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã thông báo với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) này về việc tạm dừng các cuộc thanh sát hạt nhân đột xuất bên ngoài các địa điểm được Tehran công bố từ ngày 23/2.
Tuyên bố của IAEA nêu rõ: "Hôm 15/2, Iran đã thông báo với IAEA rằng, nước này sẽ ngừng thực thi các biện pháp minh bạch tự nguyện theo JCPOA từ ngày 23/2, trong đó có điều khoản bổ sung".
Điều khoản bổ sung của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cho phép các thanh sát viên của IAEA được thăm các địa điểm không được công bố tại Iran mà không được báo trước sớm. Iran từng tuyên bố sẽ ngăn chặn các cuộc thanh sát như vậy, trừ khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.