Từ khi phiến quân Taliban tại nước này sụp đổ, phụ nữ Afghanistan, nhất là ở Thủ đô Kabul đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể như hòa nhập cộng đồng, được đến trường và tự chủ trong công việc…(Nguồn: AFP) |
“Hòa bình khiến tiếng súng không còn nữa, nhưng một thỏa thuận xấu lại khiến những tiếng nói phải lặng im”, Kabul (48 tuổi) – người được tạp chí Time bình chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 nói.
Theo AFP, nhiều phụ nữ tiên phong ở Afghanistan, lo ngại về những gì sắp xảy ra ở nước này.
Afghanistan từ lâu đã trở thành nơi tồi tệ nhất thế giới đối với phụ nữ bởi một xã hội đậm nét gia trưởng. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, khi phiến quân Taliban sụp đổ, phụ nữ tại Afghanistan, nhất là ở Thủ đô Kabul đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể như được hòa nhập cộng đồng, đến trường và tự chủ trong công việc…
Thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Taliban đang dần đến hồi kết, nhưng lại kéo đến những mối lo ngại khác cho phụ nữ Afghanistan. Trong bối cảnh quân nổi dậy Taliban đàn áp dã man, tìm cách mở rộng ảnh hưởng, thì tại Kabul đã xảy ra nhiều vụ đánh bom gây chết hàng chục người, hàng trăm người khác thương vong. Đơn cử hôm 2/9, ngay sau vài giờ thông tin về kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan được công bố, phiến quân đã gây nên một vụ đánh bom khiến 16 người chết, ít nhất 119 người thương vong. Ba ngày sau, hôm 5/9, phiến quân này tiếp tục gây nên một vụ đánh bom liều chết khác khiến ít nhất 10 dân thường và 2 binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiệt mạng.
“Taliban thật sự sẽ không thay đổi” - Suraya Pakzad, Trưởng một nhóm giáo dục, đào tạo và trao quyền cho phụ nữ Afganistan nói.
Suraya Pakzad nói rằng, khi quân nổi dậy Taliban nắm quyền, phiến quân này đã cấm phụ nữ đến trường, hòa nhập với cộng đồng, thậm chí thường xuyên dùng đá ném vào phụ nữ cho đến khi họ chết. Taliban sụp đổ, phụ nữ Afghanistan đã đạt được những tiến bộ về cả chính trị, kinh tế - xã hội. Nhưng có lẽ, sau 17 năm, số phận những người phụ nữ Afghanistan sẽ lại một lần nữa "được" định đoạt bởi nam giới.
Nghệ sĩ, nhà thiết kế trẻ tuổi Zahra (24 tuổi) từng phải “trầy trật” vượt qua bao rào cản để theo đuổi giấc mơ đã thốt lên rằng: “Phụ nữ Afganistan sẽ tiếp tục phải chịu nhiều đau khổ”. Khi Taliban hiện diện tại Afganistan, Zahra chỉ là một đứa trẻ. Gần 2 thập kỷ qua, dù không có sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam – nữ, nhưng ít nhất, phụ nữ đã đạt được một số quyền lợi mong manh.
Zahra không tin chiến tranh sẽ kết thúc, kể cả có đạt được một thỏa thuận hòa bình . (Nguồn: AFP) |
Những ngày theo đuổi giấc mơ, Zahra nhận được những lời “động viên” rằng, hãy từ bỏ trước khi quá muộn, rằng đó không phải là nghề dành cho phụ nữ như cô, nó sẽ không giúp cô có một thu nhập tốt. “Phụ nữ Afganistan đã đấu tranh để giành được quyền lợi cho mình và họ sẽ không để mất nó. Nhưng tôi không tin chiến tranh sẽ kết thúc, kể cả có đạt được một thỏa thuận hòa bình”, Zahra nói.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận phiến quân”.
Haida Essazada (23 tuổi) - đứng đầu Mạng lưới Thanh niên Afghanistan nói rằng “Mỗi ngày, chúng tôi luôn nỗ lực nhằm mang đến sự thay đổi cho xã hội”. Chính vì vậy, phụ nữ Afganistan sẽ “không để yên” nếu Taliban đe dọa đến các quyền lợi của họ. Essazada nghi nhờ về khả năng có một vị trí tương đương với Chính phủ Afghanistan được quốc tế công nhận như điều khoản trong dự thảo thỏa thuận, liệu Taliban có để yên cho những người phụ nữ ở đây hay không, nhất là những người phụ nữ trẻ? “Chúng tôi thực sự lo lắng cho tương lai, bởi thế hệ của chúng tôi là một thế hệ hoàn toàn khác”, Essazada lo ngại.
Tại xưởng chuyên sản xuất mỹ phẩm hữu cơ ở Kabul, bà mẹ đơn thân Marghuba Safi (40 tuổi) cùng khoảng 20 nhân viên nữ khác cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng họ được tiếp tục làm việc bình thường, tự chủ trong cuộc sống, công việc nếu Taliban ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Afghanistan.
“Đất nước hòa bình là giấc mơ, nhưng có lẽ sẽ kéo theo những mối lo ngại khác còn lớn hơn”, Marghuba Safi nói.