📞

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh không tuân thủ cam kết, Washington có thể đơn phương trả đũa?

Hải An 16:25 | 17/12/2021
Sau gần 2 năm thực thi Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1, đã phát sinh các khiếu nại về việc Bắc Kinh không hoàn thành cam kết. Washington có thể làm gì?
Thống kê cho thấy, Bắc Kinh chỉ mới đạt được 62% cam kết theo Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1. (Nguồn: Adobe stock)

Trong bài viết trên E-International Relations ngày 16/12, Giáo sư Luật tại Đại học Arizona (Mỹ) Bashar H. Malkawi đã nhận định về hướng đi tiếp theo của Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên không ngừng gia tăng thời gian gần đây.

Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, có hiệu lực vào ngày 14/2/2020, Trung Quốc đồng ý mua từ Mỹ ít nhất 32 tỷ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm; hơn 52 tỷ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỷ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỷ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ.

Như vậy, Trung Quốc cam kết sẽ mua tổng cộng hơn 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ không dỡ bỏ ngay hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.

Mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó mức thuế 15% được áp ngày 1/9/2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.

Tuy nhiên, sau gần hai năm, đã phát sinh các khiếu nại về việc Bắc Kinh không đáp ứng nghĩa vụ của mình theo cam kết đã ký.

Thống kê cho thấy, Trung Quốc chỉ mới đạt được 62% cam kết. Vì thỏa thuận hết hạn vào tháng 12/2021, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới tương lai và việc tuân thủ thực thi thỏa thuận này.

Cách tiếp cận mới?

Thỏa thuận giai đoạn 1 diễn ra vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bùng phát. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018, khi Mỹ áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chẳng hạn như các bộ phận máy bay.

Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả nông sản.

Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi quyền miễn trừ thuế quan đối với một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang khi Mỹ gia hạn lệnh cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc - những doanh nghiệp mà Washington cho rằng có quan hệ với quân đội.

Việc miễn trừ thuế quan và các biện pháp thương mại khác của cả hai bên có vẻ có tác dụng làm dịu quan hệ căng thẳng. Cách tiếp cận từng phần này có thể sẽ được Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp dụng trừ khi hai bên nhất trí được về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, rất khó để đàm phán được thỏa thuận giai đoạn 2.

Thế nên, Thỏa thuận giai đoạn 1 có thể được gia hạn với việc điều chỉnh các cam kết về số lượng hàng hóa mỗi bên mua của nhau. Bằng cách này, Washington có thể chuyển trọng tâm sang việc kiểm soát thực thi cam kết của Bắc Kinh.

Theo văn bản đã ký, Mỹ và Trung Quốc đồng ý với một cách tiếp cận sáng tạo về việc tuân thủ và thực thi thỏa thuận. Chương 7 của Thỏa thuận quy định các bước cần thiết để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận có hiệu quả.

Thỏa thuận đã tạo ra một nhóm khung thương mại để thảo luận về việc thực hiện cam kết, do Đại diện Thương mại và Phó Thủ tướng Trung Quốc được chỉ định, cùng Văn phòng đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương mỗi bên làm đại diện.

Trong một hiệp định thương mại điển hình, bên khiếu nại có thể gửi đơn đến Văn phòng đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương của bên bị khiếu nại khi có vấn đề liên quan đến hiệp định. Nếu vấn đề này không được giải quyết, nó có thể được đưa ra Phó Đại diện Thương mại Mỹ được chỉ định và Phó Thủ tướng Trung Quốc được chỉ định.

Thỏa thuận nêu rõ rằng nếu mối quan tâm của bên khiếu nại không được giải quyết cả ở cấp Đại diện Thương mại Mỹ và Phó Thủ tướng được chỉ định của Trung Quốc, thì “các bên sẽ tham gia vào các cuộc tham vấn khẩn cấp về cách ứng phó với các thiệt hại hoặc tổn thất do bên khiếu nại chịu. Nếu các bên đạt được sự đồng thuận về một giải pháp, giải pháp này sẽ được thực hiện”.

Nhưng nếu các bên không đạt được sự đồng thuận, bên khiếu nại có thể sử dụng hành động, bao gồm đình chỉ nghĩa vụ theo Thỏa thuận này hoặc áp dụng một biện pháp xử lý theo cách tương ứng mà bên khiếu nại cho là phù hợp.

Đáng chú ý, Điều 7.4 của Thỏa thuận cho phép một trong hai bên đơn phương trả đũa bằng cách đình chỉ nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả một "cách tương xứng" nhằm ngăn chặn sự leo thang của tình hình và duy trì mối quan hệ thương mại song phương bình thường, miễn là hành động đó đã được thực hiện một cách "thiện chí".

Bằng chứng cho thấy việc tiếp tục thực thi theo Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1 có thể không xảy ra. (Nguồn: Global Times)

Đơn phương đáp trả?

Tuy nhiên, thay vì đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận là quản lý thương mại một cách hòa bình, ngôn ngữ được dùng trong thỏa thuận để giải quyết tranh chấp (như "cách tương xứng" và "thiện chí") có thể dẫn đến leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi theo Thỏa thuận, chính bên khiếu nại có quyền xác định rằng có sự vi phạm thỏa thuận. Không có hội đồng độc lập hoặc hội đồng trọng tài nào cùng chứng thực và đưa ra quyết định đó.

Thỏa thuận không nêu rõ về các biện pháp xử lý mà bên khiếu nại có thể thực hiện, cho dù đó là việc tạm dừng áp thuế quan, cắt giảm hạn ngạch hoặc áp đặt thuế quan bổ sung và các biện pháp này có thể được thực hiện trong bao lâu.

Tóm lại, Mỹ có thể đơn phương xác định rằng Trung Quốc có vi phạm Thỏa thuận hay không và xác định mức độ vi phạm đó.

Điều này khiến các chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi liệu cả hai bên, chủ yếu là Mỹ, có thể thực hiện các biện pháp đơn phương để thực thi Thỏa thuận hay không? Tuyên bố của các quan chức Mỹ cho thấy điều này có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, cho đến nay, bằng chứng cho thấy việc thực thi theo Thỏa thuận giai đoạn 1 có thể không xảy ra vì một số lý do.

Thứ nhất, khi Mỹ thực hiện một hành động, Trung Quốc có thể chấp nhận biện pháp khắc phục hậu quả, kèm theo lời hứa không trả đũa hoặc rút khỏi Thỏa thuận.

Thứ hai, từ góc độ kinh tế học, bất kỳ hành động nào nhằm đạt mục tiêu theo thỏa thuận đều tốt hơn là không có gì hoặc quay lại chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Thứ ba, từ góc độ địa chính trị, có rất ít cơ quan có đủ quyền lực để buộc Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ thương mại mà nước này đã ký với Mỹ.

Do đó, bỏ qua khía cạnh chính trị sang một bên, việc đàm phán điều chỉnh Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ là lựa chọn hợp lý trong ngắn hạn. Có thể nói, thỏa thuận đã thành công, bất chấp một vài "lỗ hổng" trong một số điều khoản.

Không một quốc gia nào bị ép buộc phải nhập khẩu từ một quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu từ Mỹ với số lượng ngày càng tăng.

Trong ngắn hạn, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện quyền miễn trừ thuế quan đối với một số hàng hóa. Sau đó, Mỹ nên một lần nữa dùng biện pháp ngoại giao và đàm phán để hóa giải căng thẳng.

(theo E-International Relations)