Với mục tiêu hướng tới ngành thời trang bền vững hơn, nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới đang phát triển các loại “da thay thế” da động vật.
Da thực vật trở nên phổ biến
Thương hiệu giày thể thao Lerins, sản phẩm của nhà sáng lập hãng giày Dune Daniel Rubin vừa mới ra mắt tuần trước, nhận được sự chú ý của các tín đồ thời trang ưa dùng chất liệu thân thiện với môi trường. Một đôi giày thương hiệu Lerins trị giá gần 160 USD được làm bằng chất liệu vỏ nho, phế phẩm từ quá trình làm rượu vang.
Giày thương hiệu Lerins được nhiều tín đồ thời trang ưa chuộng. (Nguồn: Lerins) |
Cái gọi là “da làm từ thực vật” hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho hành tinh. Lerins là sản phẩm được tận dụng từ các nguồn phế liệu, giúp hạn chế vấn đề phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi lấy da.
Cùng với Lerins, ngày càng nhiều các thương hiệu chọn vật liệu thay thế da động vật, trong số đó có Allbirds, Hermès, Reformation và Stella McCartney.
Da từ phòng thí nghiệm
Và không chỉ có "da từ thực vật" mới được chú ý.
Mới đây, diễn viên Leonardo DiCaprio và CEO của tập đoàn hàng xa xỉ Kering, công ty mẹ của các thương hiệu thời trang như Gucci, Saint Laurent và Balenciaga, đã đầu tư số tiền lớn vào công ty khởi nghiệp về da VitroLabs ở California. Đây là công ty sản xuất da thông qua việc nuôi cấy tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để tái tạo da động vật.
Loại da này được kỳ vọng sẽ bền hơn da thông thường.
Nhà báo và tác giả người Mỹ Dana Thomas nhận định: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt. Năm 2019, tôi viết một bài báo về tương lai bền vững cho ngành thời trang, mọi thứ đang trong giai đoạn thử nghiệm. Bây giờ nó đang được triển khai trên phương diện thương mại. Thật hồi hộp khi thấy điều đó xảy ra”.
Đa dạng vật liệu thay thế
Vào tháng 8, nhà thiết kế Stella McCartney - người được mệnh danh là bà hoàng trong làng thời trang “xanh”, sẽ ra mắt giày và túi xách bằng vỏ quả nho và nấm.
Mảnh da làm từ sợi nấm, trông giống như da bò. (Nguồn: Guardian) |
Cuối năm nay, một chiếc túi da nấm, được làm từ sợi nấm, cấu trúc gốc của nấm cũng sẽ “trình làng”.
Đôi giày da thực vật đầu tiên của Allbirds (thương hiệu giày dép ưu tiên sử dụng chất liệu có tính bền vững với môi trường), sẽ được làm bằng dầu thực vật và cao su tự nhiên, dự kiến ra mắt trong thời gian tới.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và lượng khí carbon thải ra môi trường chiếm từ 8-10% (tương đương lượng khí thải carbon của toàn bộ châu Âu), nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. |
Nicole Rawling, Giám đốc điều hành của tổ chức Sáng kiến Đổi mới Vật liệu có trụ sở tại California, nơi tập hợp các thương hiệu thời trang, nhà khoa học và nhà đầu tư để thúc đẩy sáng chế các vật liệu “không liên quan đến động vật”, cho biết năm ngoái đã quyên góp được 980 triệu USD để sản xuất các chất liệu da thay thế.
Tuy nhiên, tuổi thọ của sản phẩm cũng là một vấn đề gây chú ý do da thực vật khó có thể cạnh tranh độ bền với da bò.
Tiến sĩ Laetitia Forst, nhà nghiên cứu về thời trang bền vững tại Đại học Nghệ thuật London, kêu gọi người tiêu dùng lựa chọn sử dụng giày làm từ thực vật. Ông cho rằng nên chọn đôi giày nguồn gốc thực vật (dù phải thay giày mới hàng năm) hơn là đi đôi giày da động vật có tuổi thọ 10 năm vì tác động tổng thể đối với môi trường sẽ có lợi hơn nhiều.
Cuộc đua loại bỏ hoàn toàn nhựa
Giải pháp dùng chất dẻo nhựa kết hợp với da thực vật nhằm tăng độ bền cho sản phẩm đến nay vẫn gây tranh cãi.
Nhiều sản phẩm sử dụng da thực vật dùng lớp phủ polyurethane (PU) để cải thiện độ bền.
Túi làm bằng chất liệu sợi nấm của Stella McCartney. (Nguồn: Guardian) |
Cả McCartney và Lerins đều hợp tác với công ty vật liệu sinh học Vegea để được tư vấn sử dụng polyurethane và cho biết đây là "polyurethane thân thiện nhất với môi trường hiện có".
Trong khi đó, hãng Allbirds tuyên bố "da thực vật" của họ 100% không có nhựa.
Nhà thiết kế Philippa Grogan của hãng thời trang Eco-Age cho biết: “Nếu kết hợp vật liệu tự nhiên và tổng hợp, thì sẽ phát sinh vấn đề “vòng đời cuối” của sản phẩm. Chất dẻo sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm".
Những người quan tâm ngành công nghiệp da làm từ thực vật đang tập trung giải quyết vấn đề này. Bà Nicole Rawling cho rằng: “Không ai hài lòng khi có chất liệu hóa dầu trong các sản phẩm da thực vật".
Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh sẽ buộc các công ty phải phát triển các giải pháp sản xuất sản phầm bền vững hơn với môi trường.
| Dự đoán các xu hướng công nghệ và truyền thông hàng đầu trong ngành thời trang Việt Nam Trong bối cảnh 78,6% dân số đã tiêm vaccine đủ liều và nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm ... |
| Nhà thiết kế Trần Hùng: Dấu ấn Việt tại sàn diễn Anh quốc TGVN. Trước sự lựa chọn 'yêu thời trang hay yêu Trái đất?', Trần Hùng - nhà thiết kế trẻ vừa trở thành thành viên của ... |