📞

Thông điệp '4 cùng' của Thủ tướng tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc

Quang Hòa 13:06 | 08/11/2024
Sáng ngày 8/11, tại Trùng Khánh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Tọa đàm Doanh nghiệp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Trung Quốc, cùng các doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu hai nước dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp là yếu tố hết sức quan trọng, tạo những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Để cụ thể hóa các cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nhà nước, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam là hết sức quan trọng.

Những năm gần đây, giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Trùng Khánh và các địa phương Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 4,2 tỷ USD. Phía Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN. Trong 2 năm liên tiếp 2023-2024, đều có đoàn lãnh đạo thành phố Trùng Khánh thăm và làm việc với các địa phương, đối tác Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Trùng Khánh với các địa phương Việt Nam còn rất lớn và rộng mở. Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng, với việc hai bên đã chính thức xác nhận thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa Trùng Khánh, các địa phương lân cận với các địa phương Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân hai bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và đánh giá cao tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và logistics. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác lâu dài, đa dạng và phong phú, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh hai bên có rất nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy hợp tác với nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hóa tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở. Doanh nghiệp hai nước cần phải đầu tư hợp tác nhiều hơn nữa.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, tương ứng với đó là gần 200 thị trường; tham gia 17 hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam kết nối với khoảng 60 thị trường. Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI ở mức kỷ lục hơn 23 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút gần 30 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 20 tỷ USD.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, thể chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm thủ tục; đột phá về hạ tầng nhằm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị mới, xây dựng hệ thống logistic giúp giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh; đột phá về nguồn nhân lực giúp nâng cao năng suất lao động.

Các đại biểu, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc tham dự buổi tọa đàm.

Chia sẻ thông điệp "4 cùng" với các nhà đầu tư hai nước, đó là: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh kết nối, hợp tác đầu tư, gắn kết hai nền kinh tế với mục tiêu không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác phát triển giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký biên Bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Ngay tại tọa đàm, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trên nhiều lĩnh vực, gồm MOU giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Công ty Vận hành hành lang đường bộ, đường biển mới; thỏa thuận khung hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt và Công ty Quản lý chuỗi cung ứng Yuxinou (Trùng Khánh); MOU giữa Viettel Post và Tập đoàn Sunwah; MOU giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty Sinotrans; Tập đoàn T&T Group và Công ty TNHH Cospowers, Công ty TNHH Goldwind International Holdings của Trung Quốc hợp tác sản xuất pin lưu trữ năng lượng và phát triển công nghiệp phụ trợ năng lượng...