Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang Mỹ ngày 1/3. (Nguồn: AP) |
Bối cảnh của Thông điệp Liên bang Mỹ năm nay có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Đây là bản Thông điệp Liên bang chính thức đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden làm Tổng thống. Bởi lẽ, phát biểu ngày 29/4/2021 không có sự hiện diện đầy đủ của các nghị sĩ và chỉ được coi như phát biểu thông thường trước lưỡng viện, thay vì một Thông điệp Liên bang
Về đối nội, bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Về đối ngoại, tại châu Âu, xung đột Nga-Ukraine bùng phát và diễn biến phức tạp, khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải nhanh chóng tìm cách giải quyết.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã rút quân khỏi Afghanistan tháng 8/2021, công bố thoả thuận an ninh AUKUS tháng 9/2021, đẩy mạnh trao đổi với các nước Bộ tứ và ban hành Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới tháng 2/2022, cam kết tăng cường hiện diện tại khu vực trước ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, bản Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào xung đột Nga-Ukraine và chính sách đối nội của Mỹ thời gian tới.
Buộc Nga “trả giá đắt”
Đề cập xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự ủng hộ với Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova, đồng thời khẳng định sẽ áp đặt trừng phạt mạnh mẽ, toàn diện lên chính quyền người đồng cấp Nga Vladimir Putin, làm “suy yếu sức mạnh kinh tế và quân đội Nga” nhiều năm tới.
Một mặt, ông Joe Biden cho biết sẽ loại bỏ các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, “cắt đứt” nỗ lực tiếp cận các công nghệ của xứ bạch dương, cấm chuyến bay Nga rời không phận của Mỹ, đồng thời tập hợp một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách từ Bộ Tư pháp Mỹ nhắm vào các nhà tài phiệt Nga.
Mặt khác, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ toàn diện với Ukraine trong “cuộc chiến vì độc lập”, với tổng trị giá lên tới 1 tỷ USD và sẽ “sát cánh cùng các bạn (Ukraine)”.
Song một lần nữa, Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định sẽ không đưa lính Mỹ tham chiến tại Ukraine, nhấn mạnh sự hiện diện của lực lượng nước này tại châu Âu là để bảo vệ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Như vậy, lập trường của Washington về xung đột Nga-Ukraine là không đổi, tiếp tục cô lập, áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Moscow và tăng cường viện trợ Kiev, song không can thiệp quân sự tại Ukraine.
Trong khi đó, giống với bài phát biểu gần một năm về trước, ông Joe Biden không nói nhiều đến Trung Quốc: Trong phát biểu dài hơn 1 tiếng của ông Biden, tên của cường quốc châu Á chỉ xuất hiện hai lần và chủ yếu là về cạnh tranh kinh tế.
Như vậy, lập trường của Washington về xung đột Nga-Ukraine là không đổi – tiếp tục cô lập, áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Moscow và tăng cường viện trợ Kiev, song không can thiệp quân sự tại Ukraine. |
Xây nhà từ gốc
Tuy nhiên, các thách thức, phương hướng triển khai khai ưu tiên đối nội mới là trọng tâm lớn nhất trong Thông điệp liên bang của ông Joe Biden tối ngày 1/3.
Về đại dịch Covid-19, ông chủ Nhà Trắng đã công bố sáng kiến “Test to Treat” (từ xét nghiệm tới điều trị). Theo đó, người dân Mỹ xét nghiệm Covid-19 tại hiệu thuốc có thể nhận thuốc điều trị miễn phí ngay tại chỗ nếu kết quả dương tính.
Đồng thời, ông cho rằng, thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép năm ngoái, sẽ giảm 90% khả năng nhập viện và Mỹ đã đặt mua thuốc này “nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Ông kêu gọi lưỡng đảng “điều chỉnh lại” tình trạng phân cực giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, “ngừng coi nhau là kẻ thù vì chúng ta đều là người dân Mỹ”.
Thực tế cho thấy ở năm đầu tiên, đảng Cộng hoà đã nhiều lần cản bước nhiều dự thảo luật quan trọng, tiêu biểu có đề xuất về yêu cầu tiêm chủng vaccine Covid-19 bắt buộc hoặc xét nghiệm hàng tuần với các doanh nghiệp có trên 100 người.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi lưỡng đảng đoàn kết - Ảnh: Toàn cảnh buổi đọc thông điệp liên bang của ông Joe Biden. (Nguồn: AP) |
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ thông báo phương Tây đã nhất trí xuất kho 60 triệu thùng dầu dự trữ khắp thế giới, với Washington đóng góp tới một nửa. Đây là phản ứng của chính quyền ông Joe Biden trước thực trạng giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Về cơ sở hạ tầng, Tổng thống Mỹ cho biết, sau khi ngân sách về cơ sở hạ tầng lên 1.200 tỷ được thông qua ngày 15/11, chính phủ đã bắt tay vào sửa chữa hơn 100.000 km đường cao tốc và 1.500 cây cầu trong năm nay.
Đồng thời, trong phát biểu của mình, ông cũng đề cập một số chính sách như tăng thuế tối thiểu 15% với người có thu nhập cao, ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong nước và triển khai chính sách giảm chi phí y tế cho người dân.
Ông khẳng định tất cả đều nằm trong tầm nhìn của mình và "phó tướng" Kamala Harris để “xây dựng một nền kinh tế phát triển từ dưới lên, thay vì từ trên xuống”.
Dù vậy, hiện thực hoá hoài bão này là không dễ dàng. Một mặt, tỷ lệ ủng hộ chính quyền ông Joe Biden trên đà sụt giảm, trong khi bầu cử Thượng viện đang tới gần. Mặt khác, Mỹ tiếp tục phải tìm kiếm lời giải cho bài toán cấp bách tại Ukraine và thách thức dài hạn từ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể “cứu rỗi nền dân chủ Mỹ…đưa đất nước vượt qua thách thức của thời đại” hay không? Đáp án còn ở phía trước.