|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần thứ 29 tại Basel, Thụy sỹ. Đây là một diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn, vậy xin Đại sứ cho biết ý nghĩa quan trọng của chuyến đi này?
Chuyến đi Thụy Sỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 29 của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và hơn 60 doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng từ ba góc độ.
Thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu là một diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn, kết nối các nhà lãnh đạo nữ, các nữ CEO nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, thường được coi là Hội nghị Phụ nữ Davos. Ra đời năm 1990, sau gần 3 thập kỷ được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi trên thế giới (gần đây nhất là Nhật bản năm 2017 và Australia năm 2018). Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu được tổ chức tại quê hương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos. Việc Thụy Sỹ được chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2019 thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ Thụy Sỹ trong chính giới, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của Thụy Sỹ. Hiện nay, 3 trong số 7 Bộ trưởng của Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ là phụ nữ. Tham dự Hội nghị phía Thụy Sỹ có Bà Bộ trưởng Liên bang Simonetta Sommaruga, cũng là Phó Tổng thống Thụy Sỹ và năm 2020 sẽ là Tổng thống Thụy Sỹ, cùng nữ Thống đốc và phó Thống đốc Bang Basel là nơi diễn ra Hội nghị.
Thứ hai, chuyến đi của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và đoàn doanh nghiệp nữ diễn ra vào thời điểm đặc biệt ý nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Việt Nam bắt đầu triển khai các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTTP và Hiệp định EVFTA vừa được ký kết ngày 30/6 vừa qua, và ngay trước những sự kiện đối ngoại quan trọng vào năm 2020, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và và giữ vị trí Chủ tịch ASEAN.
Sự tham dự của Đoàn Phó chủ tịch nước cùng hơn 60 các nữ CEO doanh nghiệp tiêu biểu sẽ giúp chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam, qua đó, thúc đẩy Hiệu ứng tích cực của “Hội nghị Phụ nữ Davos” đối với những nỗ lực tìm kiếm cơ hội, nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những chuyển biến nhanh và mạnh mẽ của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thứ ba, chuyến đi dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-Thụy Sỹ đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng 1/2019 với nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký kết. Hai bên đang tích cực đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (Thụy Sỹ, Nauy, Liechtenstein và Iceland).
Đầu tháng 7/2019, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu LB Thụy Sỹ Guy Pamerlin cùng đoàn doanh nghiệp sẽ có chuyến thăm làm việc tới Việt Nam. Chính vì vậy, chuyến đi Thụy Sỹ tham dự Hội nghị của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đồng thời có các hoạt động song phương quan trọng như hội kiến với Tổng thống Liên Bang Thụy sỹ Ueli Maurer, gặp lãnh đạo một số Bang, thăm doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sỹ ABB, trường Đại học Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc, gặp gỡ với kiều bào và Nhóm chuyên gia - trí thức người Việt tại Thụy Sỹ, sẽ góp phần thúc đẩy đà phát triển tích cực và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Đại sứ Lê Linh Lan và Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ) |
Đại sứ có thể cho biết một số điểm nhấn của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm nay và sự tham gia, đóng góp của Việt Nam?
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 29 với chủ đề “Phụ nữ - tái định nghĩa thành công” thu hút sự tham gia của 1.200 lãnh đạo nữ trong chính giới, giới doanh nghiệp và văn hóa xã hội từ hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có nữ lãnh đạo chính phủ như Thủ tướng Chính phủ Aruba, Namibia, nguyên Tổng thống Kosovo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng North Macedonia, và rất nhiều Bộ trưởng Bộ các vấn đề phụ nữ từ Campuchia, Cameroon, Bộ trưởng Lao động Pháp. Đặc biệt, tại Thụy Sỹ, Bộ trưởng Môi trường, giao thông, năng lượng và truyền thông Simonetta Sommaruga, Thống đốc Bang Basel, Phó Thống đốc Bang Basel đều tham gia Hội nghị.
Chủ đề “Phụ nữ - tái định nghĩa thành công” mang đậm chất đổi mới sáng tạo và thể hiện rõ nét những thế mạnh của nước chủ nhà và thành phố Basel. Năm 2018, Thuỵ Sĩ vượt Nauy trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới, sau Thuỵ Điển, trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và là nước đứng đầu thế giới về xếp hạng đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, theo báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả 2019” của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Thuỵ Sĩ tiếp tục là nước đi đầu ở Châu Âu trong lĩnh vực đăng ký bằng sáng chế với tỉ lệ 956 hồ sơ trên một triệu dân, tiếp theo sau là Hà Lan và Đan Mạch. Thụy Sỹ là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, nước đứng thứ 2 trong Báo cáo về Phát triển con người của UNDP năm 2018, quốc gia trong nhóm dẫn đầu về thu hẹp khoảng cách giới. Thụy Sỹ, cũng là trung tâm tài chính lớn thứ 3 trên thế giới sau New York, London.
Tham gia của Đoàn Việt Nam trong Hội nghị lần này nổi bật với phát biểu quan trọng của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Lễ Khai mạc Hội nghị, sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp tiêu biểu vào những phiên họp về “Thảo luận Bàn tròn cấp Bộ trưởng: đối tác công –tư trong việc thúc đẩy cơ hội kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái”; “Phát triển lãnh đạo: Góc nhìn của nữ giám đốc, liệu giới tính có sự đảm bảo sự đa dạng”; “Phát triển lãnh đạo: Nghệ thuật của sự thuyết phục trong thế giới kinh doanh”; “Sử dụng trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh”, “Con đường đến bình đẳng về lương: các sáng kiến về khu vực công/tư nhân”.
Được biết, là Đại sứ nữ đầu tiên của Việt Nam tại Liên bang Thụy Sỹ và tuy mới nhận nhiệm vụ, nhưng chắc hẳn đất nước thanh bình này và thành phố Basel - nơi diễn ra sự kiện - đã để lại nhiều ấn tượng cho Đại sứ?
Thành phố Basel, Thụy Sỹ không chỉ là trung tâm văn hóa nghệ thuật của Thụy Sỹ mà còn là trụ sở của hàng nghìn tập đoàn tài chính, sinh hóa, dược phẩm hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng như một số hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ tổ chức, Đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc, kết nối xây dựng mạng lưới và học hỏi kinh nghiệm từ các CEO của các doanh nghiệp Thụy Sỹ có năng lực quản trị tiên tiến, sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới của Thụy Sỹ, thúc đẩy thương mại và đầu tư từ những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh của Thụy Sỹ và Việt Nam có nhu cầu như tài chính ngân hàng, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, dịch vụ và thiết bị y tế...
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ rất vinh dự được Đoàn đại biểu cấp cao và các doanh nhân nữ tiêu biểu của Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu sang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 29 và có các hoạt động song phương quan trọng tại địa bàn.
Đây còn là nguồn động viên, cổ vũ đối với cá nhân tôi, nữ Đại sứ đầu tiên tại Liên Bang Thụy Sỹ, ngay đầu nhiệm kỳ công tác với chỉ chưa đầy 3 tháng kể từ khi trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Thụy Sỹ (tháng 4/2019). Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm nhiều ý nghĩa này sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy đà phát triển tích cực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sỹ (1971-2021).
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!