Trong Thông điệp Năm mới, Tổng thống Nga Putin tin tưởng rằng sự đoàn kết sẽ giúp người dân Nga có thể vượt qua mọi khó khăn và khôi phục cuộc sống bình thường. (Nguồn: TASS) |
Trong bài phát biểu mừng Năm mới được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 31/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ hai vẫn chưa chấm dứt và đang tiếp tục tàn phá đất nước, nhấn mạnh "cuộc chiến chống dịch bệnh không dừng lại dù chỉ 1 phút".
Ông cho biết nhiều nhân viên y tế vẫn phải làm nhiệm vụ trong đêm Giao thừa, đồng thời kêu gọi người dân không khuất phục trước khó khăn và giữ vững tinh thần đoàn kết. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sự đoàn kết sẽ giúp người dân Nga có thể "vượt qua mọi khó khăn" và "khôi phục cuộc sống bình thường".
Không giống như nhiều nước châu Âu, Nga tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt vốn được triển khai vào mùa Xuân năm nay với hy vọng hỗ trợ nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá nặng nề. Trong khi một số thành phố lớn đã cắt giảm số nhân viên đến các văn phòng làm việc và các quán bar cũng như nhà hàng phải đóng cửa sớm, hầu hết các khu vực cũng đã áp đặt những biện pháp hạn chế nhằm giảm các buổi tụ họp đông người và bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Phần lớn người dân Nga lựa chọn đón Năm mới năm nay ở nhà, trong phạm vi gia đình, cùng với người thân, bạn bè. Mặc dù phải duy trì các biện pháp hạn chế để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như đóng cửa các nhà hát, bảo tàng, triển lãm, hủy bỏ các lễ hội, cùng nhiều sự kiện đại chúng, hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng, quán bar, thậm chí đóng cửa trong mấy ngày đầu năm mới, nhưng thủ đô Moskva, các thành phố Saint.Petersburg, Kazan, Krasnodar và nhiều thành phố khác của Nga vẫn được trang hoàng rực rỡ để đón Năm mới.
Trong thông điệp Năm mới, trong bối cảnh Anh không còn ràng buộc bất kỳ quy định nào của Liên minh châu Âu (EU) vào 23h ngày 31/12, giờ GMT (tức 6h sáng 1/1/2021 giờ Hà Nội), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Đây là thời khắc tuyệt vời của đất nước này. Chúng ta có quyền tự do trong tay và nó tùy thuộc khả năng tận dụng tối đa của chúng ta".
Ông Johnson đã nêu rõ những lý do để hy vọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi mà các vaccine vẫn đang được phân phối, trong đó có loại vaccine do hãng tại Anh và Đại học Oxford bào chế tại Anh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson lưu ý rằng "cuộc đấu tranh gian khổ" vẫn nằm ở phía trước, sau khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.
Trong thông điệp Năm mới đưa ra cùng ngày 31/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Anh vẫn sẽ là một đồng minh thân cận của Pháp sau khi London kết thúc mối quan hệ dài 48 năm với EU. Tổng thống Macron nêu rõ: "Anh vẫn sẽ là hàng xóm, bạn và đồng minh của chúng tôi".
Sau thời điểm nêu trên, Vương quốc Anh sẽ hoàn toàn tách ra khỏi EU, sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng kể từ khi Thỏa thuận rút lui có hiệu lực pháp lý và hơn 4 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ đất nước, kèm theo đó là các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn. Hiệp định thương mại đã ngăn chặn viễn cảnh về một sự chia cắt hai bên, vốn có thể chứng kiến sự áp đặt hạn ngạch và thuế quan lên tất cả thương mại giữa hai bờ eo biển Manche, làm trầm trọng thêm các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bà Merkel cảm ơn phần lớn người dân Đức đã tuân thủ các biện pháp hạn chế do giới chức nước này áp đặt để kiểm soát tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thông điệp Năm mới lần cuối cùng trên cương vị là người đứng đầu chính phủ sau nhiệm kỳ 4 năm cho rằng, khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chưa từng có trong lịch sử nước Đức có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2021, ngay cả khi các loại vaccine phòng dịch hiện nay đang mang lại những hy vọng nhất định.
Bà Merkel cảnh báo: "Những ngày tháng này... là những thời khắc vô cùng khó khăn đối với đất nước của chúng ta và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa". Bà nói: "Mùa Đông này sẽ vẫn rất khó khăn. Những thách thức mà đại dịch tạo ra vẫn rất lớn".
Bà Merkel cảm ơn phần lớn người dân Đức đã tuân thủ các biện pháp hạn chế do giới chức nước này áp đặt để kiểm soát tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, nhưng cũng dành những lời gay gắt với những người đã không tuân thủ các biện pháp chống dịch, như đeo khẩu trang, thậm chí là tham gia các cuộc biểu tình cực đoan.
Mặc dù vậy, bà Merkel bày tỏ hy vọng vào một ngày gần trong năm tới, được chứng kiến nụ cười của những con người đầu tiên được tiêm vaccine trong các viện dưỡng lão và nhân viên y tế. Bà chia sẻ, trong suốt 15 năm lãnh đạo đất nước, dù có rất nhiều lo lắng, nhưng chưa bao giờ bà chứng kiến nước Đức trong tình trạng vội vã muốn bước sang năm mới nhanh như vậy".
Đức, từng được ca ngợi trong cách xử lý khống chế làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, đang chật vật đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Hơn 32.000 ca đã tử vong do mắc Covid-19 tại Đức và ngày 30/12 là ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay với hơn 1.000 ca.
Hiện Đức đang trong giai đoạn áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/1/2021. Song song với các biện pháp này, từ ngày 27/12, Đức đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.
Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, lượng vaccine ở Đức sẽ tăng đáng kể trong vài tháng đầu năm 2021 khi năng lực sản xuất vaccine của BioNTech được mở rộng, cộng với việc sẽ có thêm các loại vaccine được cấp phép sử dụng.
Tại Tokyo, ngày 1/1, Nhật Hoàng Naruhito gửi tới người dân Nhật Bản thông điệp mừng Năm Mới 2021, trong đó bày tỏ tri ân các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nêu bật những khó khăn và thách thức mà các nhân viên y tế tuyến đầu đang phải chống đỡ trong bối cảnh số ca mắc mới ngày một tăng cao.
Trong thông điệp chứa đựng nhiều hy vọng, Nhật Hoàng Naruhito nhấn mạnh cám ơn các nhân viên y tế đã làm việc suốt ngày đêm để cứu sống bệnh nhân, cũng như gửi lời chia buồn tới những người đã mất đi người thân và bạn bè vì dịch Covid-19 ở Nhật Bản và trên khắp thế giới.
Ông nói: “Cuộc sống hằng ngày của chúng ta đã bị ảnh hưởng lớn do căn bệnh truyền nhiễm này. Chúng tôi đặc biệt lo lắng cho những người đang phải chật vật ứng phó với hoàn cảnh khó khăn như mất việc làm hay nhà cửa, hoặc những người đang cảm thấy cô đơn".
Bên cạnh đó, Nhật Hoàng Naruhito cũng đề cập thảm họa mưa lũ ở phía Tây Nhật Bản hồi tháng 7/2020 và bày tỏ đoàn kết với những người đã mất đi người thân và nhà cửa trong thảm họa này. Khẳng định rằng trong quá khứ, loài người đã vượt qua nhiều dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa thiên nhiên bằng sự đoàn kết và sự kiên trì, Nhật Hoàng Naruhito bày tỏ hy vọng mọi người sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua những thách thức và khó khăn.
Về phần mình, xuất hiện bên Nhật Hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako bày tỏ: "Chúng tôi cầu nguyện cầu năm 2021 sẽ là một năm thái bình cho tất cả mọi người".
Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako đưa ra thông điệp trên trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của dịch Covid-19 với số ca mắc mới trên toàn quốc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày đúng vào ngày cuối cùng của năm 2020. Điều này gây quan ngại về nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải.
Cơ quan Nội chính Hoàng gia đã thông báo hủy sự kiện chào mừng Năm mới ở Hoàng cung vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Đây là lần đầu tiên sự kiện này bị hủy bỏ kể từ năm 1990 khi Nhật Bản để tang Nhật Hoàng Hirohito, ông nội của Nhật Hoàng Naruhito.
Thủ tướng Suga khẳng định Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo sẽ được tổ chức “một cách an toàn và an ninh” và sẽ là “biểu tượng cho sự đoàn kết của thế giới”. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài phát biểu cùng ngày nhân dịp Năm mới, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định chính phủ nước này sẽ làm mọi việc có thể để kiểm soát dịch Covid-19 và gấp rút chuẩn bị cho các thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa Hè 2021.
Thủ tướng Suga nêu rõ: “Nội các cam kết bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, tiếp tục nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế”.
Khẳng định dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng chưa từng có ở tầm quốc gia”, Thủ tướng Suga cảm ơn các nhân viên y tế ở tuyến đầu đã làm việc ngày đêm để chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.
Liên quan các thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo, dự kiến sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2021, Thủ tướng Suga khẳng định các sự kiện thể thao này sẽ được tổ chức “một cách an toàn và an ninh” và sẽ là “biểu tượng cho sự đoàn kết của thế giới”.
Để đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau đại dịch, Thủ tướng Suga cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ hoạt động đầu tư vào công nghệ xanh và “sẽ tập trung tất cả các nguồn lực chính sách và hành động quyết liệt đối với các cải cách”. Bên cạnh đó, ông cũng cam kết phát triển nền kinh tế vùng thông qua cải cách nông nghiệp và phát triển du lịch.
Về lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Suga khẳng định quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ sẽ vẫn là nền tảng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở”, ý tưởng do cựu Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra và được Tokyo tích cực triển khai trong thời gian qua, trong khi vẫn duy trì quan hệ ổn định với các nước láng giềng.
Ngày 31/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu mừng Năm mới trên Truyền hình Nhà nước, trong đó nêu bật thành tựu chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong năm 2020 với nhiều điều "khác thường".
Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá cao nỗ lực chống dịch Covid-19 của toàn thể người dân Trung Quốc bằng tình yêu thương, sự gan dạ và kiên trì. Ông ca ngợi các nhân viên y tế tuyến đầu, nhà khoa học, nhân viên cộng đồng, tình nguyện viên và tất cả những người đã đóng góp và hy sinh trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Ông nêu rõ: "Chúng ta đã vượt qua ảnh hưởng của đại dịch và có nhiều thành tích trong việc phối hợp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đã được hoàn thành đầy đủ. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đang được xây dựng toàn diện. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ để thiết lập một mô hình phát triển mới và đang triển khai sâu rộng phát triển chất lượng cao".
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm nay và GDP của năm 2020 ước tính sẽ tăng lên mức 100.000 tỷ NDT (15,38 nghìn tỷ USD). Ông cũng cho biết Trung Quốc đã đánh bại lũ lụt, thành công trong xóa đói giảm nghèo, công cuộc mở cửa và cải cách, cũng như có những đột phá trong khoa học bao gồm sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa và tàu thăm dò Mặt Trăng.
Lưu ý rằng năm 2020 với nhiều sự kiện đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự đoàn kết và hợp tác chống dịch Covid-19 là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong các cuộc điện đàm ngoại giao và hội nghị trực tuyến của ông.
Ông nêu rõ: "Mọi người trên toàn thế giới cần hợp sức xua đi những đám mây đen của đại dịch Covid-19 và xây dựng Trái Đất trở thành ngôi nhà tốt hơn cho toàn nhân loại".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ cảm ơn người dân đã luôn tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của đảng Lao động Triều Tiên. (Nguồn: Bloomberg) |
Ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thư viết tay chúc mừng Năm mới tới toàn thể người dân nước này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải nguyên văn bức thư, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un chúc các gia đình trên cả nước có cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập yêu thương và sức khỏe dồi dào. Cùng với đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết trong năm mới này ông sẽ nỗ lực để có thể mang đến một kỷ nguyên mới mà trong đó những mong muốn và nguyện vọng của người dân sẽ thành hiện thực.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ cảm ơn người dân đã luôn tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của đảng Lao động Triều Tiên ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Ông khẳng định sẽ luôn trung thành với nhân dân Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un gửi thư viết tay chúc mừng năm mới tới người dân kể từ khi lên lãnh đạo đất nước sau khi cha ông, cố lãnh đạo Triệu Kim Jong Il qua đời cuối năm 2011. Ông cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Triều Tiên gửi thông điệp chúc mừng năm mới tới người dân kể từ năm 1995.
Kể từ khi lên lãnh đạo đất nước Triều Tiên, hầu như vào ngày 1/1 hằng năm ông Kim Jong-un đều có bài phát biểu trên truyền hình truyền tải thông điệp Năm Mới, trong đó đề ra các kế hoạch chính sách thường niên và chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, đầu năm 2020 ông không có bài phát biểu này, thay vào đó ông đưa ra thông điệp trong bài phát biểu tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức vào cuối năm 2019.