Cuối tháng Năm, trong bối cảnh có nhiều “bước ngoặt” tại khu vực và quốc tế, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tham dự hai sự kiện tại các diễn đàn kinh tế lớn, nhấn mạnh những thông điệp quan trọng của Việt Nam trong hợp tác phát triển.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 từ ngày 23-24/5 tại Davos, Thụy Sỹ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), diễn ra từ ngày 23-27/5 tại Bangkok, Thái Lan.
Mỗi hội nghị có chủ đề, nội dung thảo luận khác nhau nhưng thông điệp xuyên suốt là sự coi trọng của Việt Nam đối với các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy vai trò của các tổ chức quốc tế. Việt Nam luôn nhất quán tinh thần chủ động, trách nhiệm, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Với mỗi diễn đàn, Việt Nam đều nêu bật những đề xuất, ưu tiên hợp tác cụ thể, được các thành viên khác đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Khóa họp thường niên lần thứ 78 của ESCAP, ngày 23/5. (Nguồn: TTXVN) |
Con người là trung tâm
Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP diễn ra khi có nhiều lo ngại về tác động nặng nề và đa diện của đại dịch Covid-19, của các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai… đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, “Một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á-Thái Bình Dương” cần phải chú trọng những thành tố nào?
Tại Phiên thảo luận cấp cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ba “chìa khóa” quan trọng.
Thứ nhất, luôn đặt con người ở trung tâm của mọi hoạt động; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản; tăng cường năng lực, ứng phó và chống chịu với các thách thức mới.
Thứ hai, tăng cường kết nối khu vực, nhất là về giao thông vận tải, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông; bảo đảm các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu; thúc đẩy chuyển đổi số, giảm khoảng cách số.
Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường huy động nguồn lực thực hiện các sáng kiến, nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng carbon thấp, phát triển kinh tế và tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác trong khu vực và với các khu vực khác.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại ESCAP Phan Chí Thành: "Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, thực chất, đa dạng và có trách nhiệm trong tất cả các hoạt động và cơ chế của ủy ban, không chỉ tham gia đóng góp, xây dựng văn kiện và định hướng hợp tác của ESCAP mà còn đưa ra nhiều đề xuất giải pháp mang tính tổng thể và dài hạn đối với những vấn đề cấp bách trong phát triển bền vững tại khu vực hiện nay". |
Không bỏ ai lại phía sau
Diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ESCAP (1947-2022), các thành viên có dịp nhìn lại thành tựu đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội tại châu Á - Thái Bình Dương và đối thoại về tương lai hợp tác, liên kết khu vực, ứng phó với các thách thức, thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đồng thời thực hiện cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.
Với Việt Nam, đây là cơ hội để khẳng định quyết tâm tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào những nỗ lực của ESCAP nói riêng và Liên hợp quốc nói chung vì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau tại khu vực và trên toàn thế giới.
Đôi mắt ánh lên niềm vui và tự hào, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Phiên thảo luận về thành quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 51/165 nước trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng hơn 30 bậc so với 5 năm trước. Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, dần phục hồi kinh tế, xã hội.
Sau lời cảm ơn, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên toàn thể WEF Davos ngày 23/5. (Nguồn: TTXVN) |
Sẵn sàng trước mọi thách thức
Ở hội nghị quốc tế quy mô lớn-Hội nghị WEF Davos 2022, với sự tham dự của hàng ngàn lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân, Việt Nam cũng đã để lại những dấu ấn của riêng mình. Chủ đề của hội nghị “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp” đã được Việt Nam cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực với các định hướng chính sách cũng như chiến lược bài bản.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, “Phát triển ASEAN số cho tất cả mọi người” và Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo cấp cao với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững”.
Đây vừa là những vấn đề trọng tâm của Hội nghị, nhận được nhiều quan tâm của các nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, vừa là những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Nổi bật lên trong đó là, các đề xuất của Phó Thủ tướng tại Phiên toàn thể về chủ đề “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu” được đánh giá rất cao.
Các giải pháp của Việt Nam về các vấn đề liên quan bao gồm: cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu; đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan; đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực…
Trong tiếp xúc bên lề, Chủ tịch WEF Borge Brande đồng tình với định hướng và quan điểm phát triển của Việt Nam, mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – WEF, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tận dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi năng lượng, đào tạo kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường trong kỷ nguyên mới. |
Đặc biệt, xuyên suốt thời gian tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái luôn tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc để “kể”, chia sẻ, giới thiệu với các lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đầu tư lớn trên thế giới về “bức tranh” chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, chủ trương mở cửa du lịch, quảng bá và thu hút thương mại, đầu tư và phục hồi kinh tế bao trùm, hướng đến chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, số hóa và bền vững, cùng với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đề cao và thúc đẩy hợp tác đa phương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Qua đó, thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang nỗ lực vươn lên không ngừng để phát triển và hội nhập sâu rộng; quyết tâm theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, thu hút các nguồn tài chính xanh hướng đến phát triển bền vững của quốc gia; Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực với lợi thế về vị trí địa lý, dân số trẻ và nền kinh tế có độ mở cao…
Nhìn lại, dù ở diễn đàn kinh tế khu vực hay quốc tế, trong dòng chảy không ngừng nghỉ của kinh tế quốc tế, dù đứng trước thuận lợi hay khó khăn, luôn sáng rõ một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm vì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững, bao trùm; khát vọng phát triển và nâng tầm vị thế, uy tín của đất nước.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ): "Việc Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị WEF năm nay thể hiện Việt Nam coi trọng và thúc đẩy sự hợp tác với WEF cũng như cam kết của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu như phục hồi sau đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên như khủng hoảng lương thực, an ninh mạng...". |