Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney. (Nguồn: AP) |
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thống đốc Carney cho biết thỏa thuận Brexit mà Anh vừa đạt được với EU vào ngày 17/10 là "tin tốt lành" bởi điều đó đồng nghĩa nước này có thể tránh một cú sốc kinh tế lớn như BoE đã từng cảnh báo.
Trả lời cuộc phỏng vấn với hãng truyền hình Bloomberg TV bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thống đốc Carney cho biết sự rõ ràng hơn về Brexit sẽ giúp vực dậy hoạt động đầu tư kinh doanh, vốn đã giảm mạnh kể từ cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016.
Còn tại một cuộc phỏng vấn riêng với hãng tin BBC, ông Carney nói rằng thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson có thể không hỗ trợ nền kinh tế ở mức độ tương đương với kế hoạch của người tiền nhiệm Theresa May. Bà May đã đề xuất việc nước Anh có quan hệ chặt chẽ hơn với EU, nhưng kế hoạch của bà đã bị Quốc hội bác bỏ.
Khi được hỏi liệu việc London đạt được thỏa thuận về giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit sẽ khiến BoE tiếp tục tăng lãi suất hay không, ông Carney nói rằng điều này "không nhất thiết” xảy ra. Ông nhấn mạnh không thể cam kết trước điều gì do rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy đến.
Thống đốc Carney cũng nói rằng IMF đã nhấn mạnh tình trạng bấp bênh của nền kinh tế thế giới tại cuộc họp. Điều này đã khiến các ngân hàng trung ương khác bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn. Ông Carney nói rằng BoE cũng phải cân nhắc đến tình hình tăng trưởng của kinh tế toàn cầu lúc này.
Những bình luận của ông lặp lại một tuyên bố của BoE sau cuộc họp chính sách tháng 9 rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ tăng lãi suất trong trường hợp nền kinh tế tránh được một cú sốc Brexit không thỏa thuận, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên, thách thức đối với thỏa thuận Brexit vẫn còn khi nó buộc phải vượt qua "cửa ải" tại Quốc hội Anh. Trong trường hợp thỏa thuận này không nhận được sự ủng hộ đa phần các nghị sĩ, Anh sẽ buộc phải kéo dài thời hạn Brexit hoặc rời khỏi khối này mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 - một kịch bản mà cả London và Brussels đều không mong muốn.
Ngoài ra, IMF hồi tuần này cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008. Tình hình còn có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu căng thẳng thương mại không được giải quyết.