Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thành viên Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trả lời phỏng vấn Báo Thế giới &Việt Nam trước thềm Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị sắp diễn ra tại Hà Nội.
Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế quốc tế, những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của mặt trận thông tin đối ngoại. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện công tác quan trọng này nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng?
Trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó mới nhất là tháng Chín đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tonga. Chúng ta đã có khuôn khổ hợp tác Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với 18 nước, trong đó có tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Việt Nam đảm nhiệm thành công Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 và nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77, được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025…
Ngoại giao phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, hoàn thành xuất sắc chiến dịch ngoại giao vaccine để đất nước sớm mở cửa, phục hồi và năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục hơn 8% và kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục 735 tỷ USD. Những thành công này được nhân dân trong nước ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Để có được những thành tựu đối ngoại như trên trước hết có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và trực tiếp tham gia của Lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là có đóng góp của tuyên truyền, lan tỏa tích cực, tạo cộng hưởng trong dư luận của công tác thông tin đối ngoại.
Về nội dung, công tác thông tin đối ngoại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt, tiềm năng - thế mạnh của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, nhất là giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, từng bước mở cửa; mặt khác thông tin sâu rộng, kịp thời những nỗ lực và thành quả đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta tới nhân dân trong nước.
Đồng thời, công tác thông tin đối ngoại tích cực đấu tranh, phản bác hiệu quả với những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội, đại đoàn kết, công tác bảo vệ quyền con người của Việt Nam, những thông tin, lập luận, yêu sách phi nghĩa, xâm phạm chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Về phương thức, công tác thông tin đối ngoại không ngừng đổi mới, tích cực theo dõi dư luận quốc tế, nghiên cứu các xu hướng truyền thông, từng bước chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái mạng xã hội, tổ chức hình thức thông tin trực tuyến, số hóa các thủ tục hành chính liên quan tới thông tin đối ngoại, để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức tuyên truyền, đưa những thông tin, hình ảnh về Việt Nam đến đông đảo hơn các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế với một “diện mạo” mới phù hợp hơn, hấp dẫn hơn, hợp thị hiếu hơn, bảo đảm thông tin của Đảng và Nhà nước là “dòng chủ lưu” trên mặt trận dư luận.
Về lực lượng, chất lượng lực lượng làm thông tin đối ngoại không ngừng được nâng cao, chú trọng công tác đào tạo. Các lớp tập huấn, cập nhật thông tin và kỹ năng cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại ở Trung ương cũng như địa phương được tổ chức thường xuyên và liên tục được đổi mới.
Nội dung không chỉ về những thông tin, kỹ năng cơ bản, chung chung mà đi vào những vấn đề cụ thể hơn, tiệm cận với xu hướng quốc tế như biện pháp ứng phó với khủng hoảng truyền thông, xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá hình ảnh... Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác thông tin đối ngoại đã nhịp nhàng hơn, nhận thức về thông tin đối ngoại ngày một tốt hơn, hiệu quả truyền thông mạnh mẽ hơn…
Bên cạnh đó, việc hợp tác với phóng viên nước ngoài cũng có nhiều bước tiến quan trọng. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực hơn trong tiếp xúc với học giả, phóng viên, qua đó gây dựng được mạng lưới những phóng viên nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam, những phóng viên Việt kiều hướng về quê hương, đất nước.
Ở trong nước, Bộ Ngoại giao luôn tạo điều kiện tác nghiệp thuận lợi tối đa, hoặc chủ động tổ chức nhiều đoàn phóng viên/tùy viên báo chí nước ngoài đi thực tế địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid không có phóng viên từ bên ngoài vào Việt Nam. Đây đều là những nguồn lực rất quý giá, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong việc đưa thông tin mọi mặt ra tới cộng đồng quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa cũng như sự tham gia của Bộ Ngoại giao trong xây dựng Kết luận quan trọng này?
Có thể nói, tình hình thế giới và khu vực trong thời gian qua đặc biệt phức tạp và khó khăn, trải qua những biến động lớn, có những vấn đề ngoài dự báo như cạnh tranh nước lớn, đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu…
Môi trường truyền thông trong nước và quốc tế có nhiều biến động với sự nổi lên của truyền thông mới, truyền thông mạng xã hội và gần đây là sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực truyền thông. Cạnh tranh nước lớn cũng khiến thông tin, tuyên truyền trở thành một mặt trận. Chiến tranh thông tin xuất hiện tại một số nơi, một số sự kiện cụ thể. Tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong nước cũng có nhiều thay đổi so với những năm trước đây.
Bối cảnh đó đã sớm đặt ra nhu cầu về việc sửa đổi, bổ sung Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 nhằm kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục những điểm yếu, khó khăn còn tồn tại, không ngừng đổi mới, nhanh chóng tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, qua đó, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, củng cố được niềm tin của nhân dân trong nước, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch.
Có thể nói, Bộ Ngoại giao đã tham gia tích cực và chủ động trong quá trình xây dựng Kết luận thông qua tổng kết thực tiễn triển khai công tác thông tin đối ngoại hoặc nghiên cứu kinh nghiệm các nước về ngoại giao công chúng, xây dựng hình ảnh... Thông qua các cơ chế như các hội nghị thường kỳ của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, các cuộc giao ban của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, các báo cáo định kỳ tình hình triển khai công tác thông tin đối ngoại cũng như các văn bản góp ý trong quá trình xây dựng các dự thảo của Kết luận số 57-KL/TW, Bộ Ngoại giao đã tích cực trao đổi, tham vấn, đề xuất nhiều ý kiến để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nói chung và cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại nói riêng, trên nhiều lĩnh vực như chủ trương, nội dung, phương thức và nguồn lực.
Những đóng góp của Bộ Ngoại giao đã được ghi nhận và được phản ánh trong Kết luận số 57-KL/TW được Bộ Chính trị ban hành.
Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/06/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới không phải là một văn bản thay thế cho Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị mà là một sự hoàn thiện, bổ sung những quan điểm, mục tiêu mới, nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp mới nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, tùy viên văn hóa - báo chí các nước tại Việt Nam nhân dịp Năm mới 2023. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Thứ trưởng cho biết những ưu tiên, trọng tâm trong triển khai thực hiện Kết luận số 57 của Bộ Chính trị trong thời gian tới?
Quán triệt quan điểm của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, coi công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại, gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, không ngừng đổi mới theo phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao sẽ được triển khai theo một số trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc, chủ động triển khai Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị tới từng đơn vị của Bộ Ngoại giao, từng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao nhận thức của cán bộ ngoại giao về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, coi thông tin đối ngoại là một phần của công tác ngoại giao, luôn chủ động, tích cực triển khai và phối hợp triển khai công tác thông tin đối ngoại.
Thứ hai, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, đổi mới cả về nội dung, phương thức, hình thức triển khai công tác thông tin đối ngoại, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin đối ngoại; có những câu chuyện truyền thông ấn tượng và thuyết phục với mục tiêu đưa thông tin, hình ảnh tích cực về Việt Nam tới được ngày càng nhiều đối tượng ở càng nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Thứ ba, phát huy vai trò là lực lượng tuyến đầu của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đến năm 2030”. Tích cực tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự đồng thuận của dư luận người Việt cả trong và ngoài nước.
Thứ tư, tăng cường công tác hợp tác với phóng viên, chuyên gia, học giả quốc tế cũng như kiều bào; xây dựng lực lượng báo chí ở nước ngoài thân thiện với Việt Nam, có thể hỗ trợ hiệu quả trong công tác thông tin đối ngoại cũng như đấu tranh dư luận khi cần thiết.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối ngoại với các nước, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động ngoại giao công chúng, ngoại giao kỹ thuật số, tận dụng truyền thông mạng xã hội, các hình thức truyền thông thế hệ mới, để kịp thời nắm bắt những xu thế mới của truyền thông nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Kết luận 57-KL/TW được Bộ Chính trị ban hành thể hiện sự quan tâm cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới công tác thông tin đối ngoại, phù hợp với tình hình thực tiễn và phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó Báo Thế giới & Việt Nam cũng là một trong số các đơn vị chủ lực chắc chắn sẽ nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong nước và khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
| Báo chí cần giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới báo chí cần phải giữ vững và phát huy vai trò ... |
| Cần kể những câu chuyện mới, hấp dẫn hơn về Việt Nam trong thông tin đối ngoại “Công tác thông tin đối ngoại đã giúp các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc ... |
| Đẩy mạnh mặt trận thông tin đối ngoại về quyền con người Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có. ... |
| Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức khoá tập huấn kỹ năng truyền thông hiện đại và thông tin đối ngoại Khóa tập huấn được tổ chức theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao hai nước nhân dịp kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ ... |
| Dấu ấn 30 năm thành lập và phát triển của tờ báo tiếng Pháp duy nhất tại Việt Nam Ngày 5/9, Báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) - tờ báo tiếng Pháp duy nhất ở Việt Nam, tổ chức lễ ... |