Từ đầu năm 2017, công tác triển khai Kế hoạch công tác thực hiện IAI lần 3 đã đạt những kết quả đáng khích lệ cả về lượng và chất. Về số lượng, tính tới cuối tháng 9/2017, đã có 11/26 nội dung hợp tác và 6 nội dung hỗ trợ được đưa vào thực hiện thông qua 22 dự án với tổng trị giá 8,28 triệu USD. Như vậy, so đầu năm 2017 đã chứng kiến mức tăng gấp đôi về số dự án và hơn 4 lần về ngân sách thực hiện.
Trong khuôn khổ 5 lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch công tác, các dự án IAI tập trung xử lý những vấn đề thiết thực mà bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đang đối mặt, như an toàn vệ sinh nông phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng khung chính sách để phát triển và kêu gọi FDI vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo tiếng Anh, đào tạo kỹ năng trong nền kinh tế số.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN) |
Bên cạnh 22 dự án nêu trên, hiện còn 13 dự án mới đang trong quá trình phát triển hoặc chuẩn bị đưa vào thực hiện.
Đáng chú ý trong công tác triển khai lần này, nhiều cải tiến đã được đưa ra nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thực thi. Trước hết, công tác theo dõi, đánh giá kết quả không chỉ căn cứ vào số lượng dự hay số tiền tài trợ, mà sẽ chú trọng hơn tới việc có đạt được các yêu cầu, tiêu chí cụ thể đã đặt ra cho từng nội dung hợp tác hay không.
Ví dụ: trong nội dung phổ biến công nghệ và kỹ thuật nhằm giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, yêu cầu đặt ra là phải tiến hành được các khoá đào tạo và đưa được kỹ thuật, công nghệ mới tới những hộ nông dân sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ.
Một nét mới nữa là vai trò chủ động của CLMV. Không còn tư duy trông chờ thụ động, các cơ quan chuyên ngành của CLMV, với sự tư vấn của Ban thư ký, đã tích cực tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng dự án, bảo đảm đáp ứng những nhu cầu thiết thực tại địa phương. Kết quả là trong số 13 dự án IAI mới, có 10 dự án do các cơ quan chuyên ngành của CLMV xây dựng và đề xuất.
Với các đối tác của ASEAN, tham gia hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển luôn là ưu tiên cao trong chương trình hợp tác với ASEAN. Tính đến nay, các đối tác đã cam kết tài trợ 7,38 triệu USD cho 11 dự án thuộc Kế hoạch công tác lần 3. Tại cuộc tham vấn lần thứ 7 giữa Nhóm đặc trách IAI với Đối tác tổ chức vào ngày 29/9/2017, đại diện các đối tác tiếp tục khẳng định cam kết tham gia và hỗ trợ CLMV và triển khai Kế hoạch công tác.
Ngay tại cuộc họp, một số dự án IAI mới đã nhận được cam kết tài trợ. Một số đối tác cũng cho biết sẽ xem xét mở rộng những chương trình hợp tác hiện có với ASEAN để gia tăng hỗ trợ cho CLMV.
Với vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách IAI năm 2017, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch công tác IAI lần 3, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm công tác triển khai diễn ra thuận lợi.
Toàn cảnh buổi họp. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN) |
Từ đầu năm đến nay, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã chủ trì 3 cuộc họp định kỳ của Nhóm đặc trách để rà soát và trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy triển khai Kế hoạch công tác, trong đó có cuộc họp tham vấn với đối tác để kêu gọi tài trợ. Phái đoàn cũng tranh thủ hàng chục cuộc họp khác giữa ASEAN với đối tác để giới thiệu về IAI; bổ sung nội dung IAI vào các chương trình, kế hoạch hợp tác của ASEAN với đối tác; đồng thời tiến hành nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi để vận động tài trợ cho các dự án IAI và liên quan.
Trong đó rõ rệt nhất là việc phối hợp tổ chức các vòng tham vấn quốc gia và khu vực để xây dựng dự án IAI trong tháng 6 và 8/2017, vận động Hàn Quốc tài trợ tổ chức hội thảo về kỹ năng xây dựng dự án và cách thức tranh thủ quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc tháng 4/2017…
Ta cũng đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác thông tin, phối hợp cũng như xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành CLMV trong tham gia thực hiện IAI. Những kết quả này đã giúp xây dựng khuôn khổ và tạo đà thuận lợi cho quá trình triển khai Kế hoạch công tác IAI vào những năm tiếp theo.
Được thông qua tại Cấp cao ASEAN 28 tháng 09/2016, Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) lần 3 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn 2016-2020 gồm: lương thực và nông nghiệp; thuận lợi hoá thương mại; phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs); giáo dục; y tế và phúc lợi.
Tương ứng với mỗi lĩnh vực ưu tiên là các dòng hành động để giúp CLMV đạt được những mục tiêu hợp tác đề ra. Ngoài ra còn các hành động hỗ trợ về năng lực cho CLMV trong tham gia và thực thi các hoạt động, dự án hợp tác.
Về cơ chế triển khai, ngoài Nhóm đặc trách với chức năng điều phối khu vực, mỗi nước CLMV đã xác định các vị trí điều phối quốc gia và cơ quan đầu mối cho từng lĩnh vực ưu tiên.
Về phía Việt Nam, cơ quan điều phối quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đầu mối gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (lĩnh vực lương thực và nông nghiệp), Tổng cục Hải quan (thuận lợi hoá thương mại), Bộ Công thương (MSMEs), Bộ Giáo dục và Đào tạo (lĩnh vực giáo dục) và Bộ Y tế (lĩnh vực y tế và phúc lợi).