📞

Thu hút FDI: Chủ động vượt khó Covid-19, bắt kịp dòng chảy đón 'đại bàng'

Gia Thành 13:45 | 30/08/2021
Dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), là điểm đầu tư tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài.
Thu hút FDI tại Việt Nam đạt được tín hiệu khả quan, bất chấp dịch Covid-19. Hình ảnh khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương. (Ảnh: Quỳnh Trần/Vnxpress)

Tín hiệu khả quan

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, chỉ giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỉ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký thêm (gần 5 tỷ USD) tăng 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỷ USD). Nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là 2.720 lượt, tổng giá trị xấp xỉ 2,81 tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng năm 2021. Tuy số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần.

Trong đó, sự suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021.

19,12 tỷ USD chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nhiều năm gần đây, Hàn Quốc luôn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ hai và Singapore đứng ở các vị trí tiếp theo.

"Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, song bức tranh nền kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI" - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, thứ hạng đã có sự thay đổi. Singapore “soán ngôi” của Hàn Quốc, vững ở vị trí thứ nhất. Năm 2020, Singapore đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, con số là trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay: “Trong 8 tháng, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản và gấp 2,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc”.

Về địa bàn thu hút vốn FDI, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, trong đó có dự án điện lên tới 3,1 tỷ USD.

Đặc biệt, trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là "điểm nóng" của đại dịch Covid-19, thành phố vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút FDI. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; thành phố dẫn đầu cả nước về số dự án mới khi chiếm tới 34%.

Đứng vị trí thứ 3 là Bình Dương, với gần 1,7 tỷ USD vốn ngoại "rót" vào địa phương. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.

Cơ hội vàng để thu hút vốn FDI

Mới đây, Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để thu hút vốn FDI.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS. Lê Xuân Sang nhận định, việc đại dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều địa phương và các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, đăng ký FDI vào Việt Nam. Nhìn cục diện toàn khu vực châu Á, từ quý I/2021 trở về trước, khi đại dịch về cơ bản được kiểm soát, Việt Nam là tiếp tục là một địa điểm lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong khu vực.

Trong vài ba năm lại đây, theo kết quả khảo sát của Citi Group, ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia là một trong số ít nước đang phát triển được các công ty FDI nhắm tới để đầu tư. Việt Nam và hai quốc gia này có môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn tương đương nhau. Ví dụ, chỉ số thuận lợi kinh doanh dao động quanh thứ hạng 70/190 nước.

Ngoài ra, việc các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới như FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi sâu, rộng hơn cũng thúc đẩy nhu cầu thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên.

TS. Lê Xuân Sang cho rằng, việc Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định, Việt Nam không thao túng tiền tệ và cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thỏa thuận chung rằng Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam tăng phù hợp với nền tảng kinh tế vững mạnh của Việt Nam. Đây là những yếu tố tăng vị thế, tính hấp dẫn trong đầu tư ở Việt Nam trước mắt và trong thời gian tới.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Sang cũng nhận thấy, các yếu tố bất lợi đối với thu hút và thực thi các dự án FDI vẫn còn khá lớn, đặc biệt là đại dịch đã trầm trọng hơn và khó kiểm soát hơn. Việc hạn chế di chuyển gây khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong việc trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp, gây cản trở lớn đến khả năng quyết định đầu tư.

"Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc khống chế được dịch tốt sẽ là 'visa' để Việt Nam 'lót ổ' đón 'đại bàng' tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025" - TS. Nguyễn Đình Cung.

Hơn thế nữa, xét trên bình diện khu vực và toàn cầu, việc Covid-19 lây nhiễm khá nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu được kiểm soát ở Việt Nam đã làm giảm mạnh, thậm chí dần làm mất đi những lợi thế thu hút FDI được tạo ra trước đó.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, song bức tranh nền kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI.

Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi chọn Việt Nam là điểm đến. Bên cạnh những ưu tiên cho công tác chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư để thực hiện mục tiêu kép.

Thời gian tới, để duy trì đà thu hút vốn FDI, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Trước mắt, Việt Nam cần sớm kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Song song với đó, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Về lâu dài, dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia thay đổi chiến lược thu hút vốn FDI và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc.

Vì vậy, cùng với các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, sẵn sàng hạ tầng, có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xác định những nhóm ngành, lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư mà chúng ta có lợi thế để bắt kịp dòng chảy đó".

Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Nguyễn Đình Cung, thời gian tới, Việt Nam cần chủ động vượt qua các thách thức để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao. Đó là sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng-cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh…

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc khống chế được dịch tốt sẽ là 'visa' để chúng ta 'lót ổ' đón 'đại bàng' tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025”.