📞

Thu hút FDI: Thông thoáng và có chọn lọc

08:39 | 24/05/2014
Việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nếu quá nới lỏng và thông thoáng sẽ làm xuất hiện rất nhiều Doanh nghiệp trên giấy mà cơ quan quản lý nhà nước khó có thể quản lý được.
Cần phải thanh lọc các dự án FDI vào Việt Nam? (Ảnh minh họa).

Đó là lo ngại chung của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo "Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài" được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nguy cơ tràn lan doanh nghiệp trên giấy

Trong dự thảo Luật Đầu tư sắp trình Quốc hội, thủ tục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đã thoáng hơn. Dự thảo luật đã bãi bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Đối với các dự án không thuộc trường hợp nêu trên, nhà đầu tư có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan, nếu có yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam Nguyễn Công Ái, việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp là nên làm nhưng nếu quy định quá thoáng sẽ làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp trên giấy. Sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn doanh nghiệp được thành lập chỉ để bán cho doanh nghiệp khác. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải quản lý một số lượng khổng lồ doanh nghiệp mà hầu như không mang lại chút hiệu quả nào cho nền kinh tế.

"Rất nhiều nhà đầu tư vào đây mà chúng ta không biết được họ đang làm gì, chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp xong là thoải mái thu gom nông sản, đầu cơ làm giá, tổ chức kinh doanh sản xuất rồi xả thải bừa bãi mà không chịu quản lý từ một cơ quan nào", ông Ái lo lắng.

Cùng chung quan điểm đó, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI thẳng thắn cho rằng: "Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ, vì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường… Hơn nữa, do năng lực quản lý của nhiều địa phương còn hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp khi triển khai dự án, việc bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước".

Thanh lọc và định hướng

Dù ghi nhận đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ông Mại lo ngại vì sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, thậm chí có dự án "siêu nhỏ" chỉ từ 50.000-100.000 USD.

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong ba năm gần đây, số dự án có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD chiếm tới 44,15% tổng số dự án, song số vốn chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 1% tổng số vốn. Trong bốn tháng đầu năm 2014, chỉ có hai dự án cấp mới có quy mô hơn 1 tỷ USD, 250 dự án còn lại có tổng vốn 1 tỷ USD, tức là trung bình 4 triệu USD/dự án.

GS.TS. Nguyễn Mại khuyến cáo, với đà này, doanh nghiệp FDI sẽ lấn sân cả các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được. Vì vậy, cần phải thanh lọc các dự án FDI vào Việt Nam, định hướng để thu hút các dự án lớn, tạo sức lan tỏa và không chèn ép các doanh nghiệp trong nước.

"Chúng ta phải thẩm định theo hướng nâng cao chất lượng, không thể để các dự án đầu tư quá nhỏ vào Việt Nam khi mà doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện thực hiện được", ông Mại nhấn mạnh.

"Thoáng" cấp phép, "chặt" hậu kiểm

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, câu chuyện quản lý sau cấp phép ở Việt Nam còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt sau khi thực hiện phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài FDI. Ví von mô hình quản lý FDI giống như "chiếc phễu", ông Hoàng cho biết xu thế của thế giới là "cái phễu thuận", tức là rất mở khi cấp phép nhưng lại rất chặt sau cấp phép. Còn mô hình của Việt Nam là "cái phễu ngược", chặt chẽ khi cấp phép nhưng buông lỏng hậu kiểm.

Ông Hoàng nhận định, công cụ quản lý sau cấp phép của Việt Nam hiện không nhiều và không sát với thực tế. Thời gian tới, cần hình thành và nâng cấp các công cụ để quản lý và kiểm soát đầu tư chặt hơn. Tuy nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp, cũng không chỉ phụ thuộc vào hệ thống văn bản pháp luật mà cần cả bộ máy liên quan, ý thức của những người thực thi, từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Vì vậy, ông Hoàng đề xuất mô hình quản lý đầu tư nước ngoài phù hợp là phải vừa thoáng khâu cấp phép, vừa phải chặt chẽ khâu hậu kiểm. "Mặc dù Việt Nam không thể thoáng như các nước nhưng vẫn phải thoáng ở khâu cấp phép bởi đó là xu thế bắt buộc của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta phải gia cố phần hậu kiểm thật tốt... Nếu không chúng ta không đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc", ông Hoàng nói.

Giang Ly