📞

Thu hút FDI: Việt Nam đang đi đúng hướng

09:44 | 10/04/2015
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc thu hút FDI của Việt Nam đang đi đúng hướng và các chính sách thu hút FDI đang phát huy hiệu quả tốt.
Giáo sư Nguyễn Mại trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Quang Hòa)

Đánh giá của ông về hoạt động đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua?

Kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài năm 2014 không tách rời với tình hình kinh tế chung của đất nước. Nhìn lại năm 2014, sẽ không thừa nếu chúng ta nhìn lại quá khứ. Trước giai đoạn năm 2005 - 2008, chúng ta từng chứng kiến hoạt động này sụt giảm nghiêm trọng, từ năm 1999 - 2004, mỗi năm vốn đăng ký chỉ vào khoảng hơn 3 tỷ USD. Đến năm 2005, vốn đăng ký bắt đầu vươn lên đến 8 tỷ USD. Sang đến năm 2008 thì con số này đạt kỷ lục tại 72 tỷ USD, có thể được coi là một bước ngoặt trong thu hút FDI. Sang giai đoạn 2009-2013, vốn đăng ký giảm xuống còn khoảng 15-18 tỷ USD do những khó khăn của nền kinh tế. Đến năm 2014, nhờ tình hình kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nên thu hút FDI cũng tăng đáng kể, vốn đăng ký đạt gần 22 tỷ USD, vốn thực hiện gần 12,5 tỷ USD, không tăng quá nhiều so với năm 2013, nhưng cũng đánh dấu sự khởi sắc trong một giai đoạn mới, có thể nói là nền tảng cho làn sóng đầu tư thứ ba.

Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài đều rất lạc quan và đánh giá cao thị trường Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, thuế, hải quan…

Những đánh giá ấy đã được thể hiện qua một loạt dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2014, không chỉ số lượng vốn đầu tư mà chất lượng vốn đầu tư cũng tăng rõ rệt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia tiếp tục chọn Việt Nam để đầu tư và triển khai sản xuất. Điển hình là tập đoàn Samsung. Trong vòng sáu năm hoạt động tại Việt Nam, Samsung đã tăng vốn đầu tư từ 650 triệu USD (năm 2007) lên 11,2 tỷ USD (năm 2014) và lựa chọn Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất điện thoại di động. Hiện 50% điện thoại của Samsung trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra Microsoft, Intel… cũng đều cam kết tăng vốn đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Những con số trên cho thấy, việc thu hút FDI của Việt Nam đang đi đúng hướng và các chính sách thu hút FDI đang phát huy hiệu quả tốt.

Theo ông, những yếu tố nào sẽ chi phối hoạt động đầu tư nước ngoài trong năm 2015? Liệu sẽ có một làn sóng FDI mới khi những hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và một số nước được ký kết?

Tôi tin hoạt động đầu tư nước ngoài trong năm 2015 sẽ phát triển hơn năm ngoái. Nhiều người đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2014 có khởi sắc nhưng chưa vững chắc. Những lo lắng như vậy là bình thường.

Tuy nhiên, với những nỗ lực cải cách về thể chế trong thời gian vừa qua đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới tư duy, từ cách chỉ đạo điều hành cho đến cải thiện môi trường kinh doanh. Phải coi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) là một bước nhảy vọt. Việc ban hành hai luật này, theo tôi đánh giá, là bước tiến rất lớn trong việc cải cách về thể chế. Vì vậy, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, yếu tố chi phối đến hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là những cải cách về thể chế.

Năm 2015 sẽ là năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, Việt Nam cũng đang đàm phán để thực thi FTA với rất nhiều nước. Rõ ràng, đây là những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng như tạo nên một làn sóng thu hút FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội, với doanh nghiệp cũng là thách thức. Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm bằng công nghệ tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ không đủ sức cạnh tranh, không chỉ trong xuất khẩu mà còn ở thị trường trong nước.

Ngoài ra, còn có những triển vọng tốt từ phía Mỹ. Đại sứ Mỹ mới đây đã cam kết sẽ đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Sắp tới, chúng ta sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ nên nhiều người cho rằng tuyên bố này hoàn toàn có cơ sở. Những cuộc gặp gỡ giữa các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ với Chính phủ, đại diện các bộ, ban ngành của Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy thị trường Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ.

Hãng tin kinh tế hàng đầu Bloomberg vừa đưa ra nhận định Việt Nam sẽ là con hổ tiếp theo của châu Á hay một tổ chức mới đây cũng đánh giá Việt Nam sẽ là miền đất hứa của dịch vụ thuê ngoài (outsourcing). Dù chúng ta không nên quá lạc quan với những đánh giá này nhưng có thể thấy không dễ gì được họ đánh giá như vậy. Những đánh giá triển vọng này cũng sẽ có tác động tốt đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Với việc thành lập AEC vào cuối năm nay, ông nhận định thế nào về triển vọng đầu tư từ các nước trong khu vực? Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước ASEAN trong thu hút FDI từ bên ngoài hay không?

Những đối tác trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Singapore khó có thể là các đối tác đầu tư nước ngoài triển vọng của Việt Nam trong thời gian tới, dù nhà đầu tư Thái Lan vừa qua cũng có nhiều động thái trên thị trường bán lẻ.

Điều đáng nói nhất ở đây chính là khu vực đầu tư ASEAN. Khi AEC được thành lập, nhà đầu tư Việt Nam hay Thái Lan, Singapore… đều là những nhà đầu tư ASEAN, được đối xử bình đẳng. Với một thị trường 600 triệu dân, GDP khoảng 2.000 tỷ USD, ASEAN hứa hẹn là một thị trường có năng lực cạnh tranh rất cao, có thể là đối trọng của Trung Quốc trong tương lai.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải làm sao tận dụng thị trường chung ASEAN để thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam. So với nhiều nước trong ASEAN, Việt Nam có nhiều ưu thế hơn như tình hình chính trị ổn định, quyết tâm cải cách thể chế của Chính phủ…

Do vậy, câu chuyện đầu tư của Việt Nam trong AEC chính là làm thế nào để năng lực về thể chế, năng lực thực thi thể chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực của hàng hóa Việt Nam tiếp tục được duy trì và tạo bước đột phá trong năm 2015.

Giang Ly (thực hiện)