Biến đổi khí hậu là sự khuếch đại của những hình thức dễ bị tổn thương và bất bình đẳng vốn đã tồn tại từ trước, bao gồm cả bất bình đẳng giới, và thường dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Từ năm 2010-2020, người dân khu vực châu Á và Thái Bình Dương chiếm ba phần tư trong tổng số 122 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Do châu Á-Thái Bình Dương là khu vực xảy ra thiên tai nhiều nhất trên thế giới, chúng ta không thể bỏ qua những tác động vô cùng lớn của biến đổi khí hậu lên phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Bjorn Andersson - Giám đốc khu vực của UNFPA châu Á - Thái Bình Dương. |
Bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại, như tục tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đang thể hiện chiều hướng gia tăng trong nhóm dân số bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Các trường hợp khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra sự gián đoạn đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu về sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng như các loại thuốc đóng vai trò cứu sống tính mạng, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, góp phần gia tăng nguy cơ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Chị Adelina, 43 tuổi, đến từ Dinagat, Philippines đã chia sẻ về sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới phụ nữ trong quá trình tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ.
Mới đây, Adelina đang mang thai bé thứ 6 khi siêu bão Odette đổ bộ. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở y tế gần nhất và không còn lựa chọn nào khác, chị phải vất vả đi thuyền hai tiếng để sinh con tại một bệnh viện ở thành phố gần đó.
Tất cả các bên đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả sớm của thiên tai có khả năng chống chịu với khí hậu và toàn diện hơn. Điều này sẽ đảm bảo phụ nữ được tiếp cận dịch vụ, thông tin về sức khỏe tình dục và sinh sản, bao gồm dịch vụ sức khỏe bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình và bảo đảm an toàn.
Từ đó, phụ nữ và trẻ em sẽ được trao quyền để bảo vệ quyền của chính mình, đưa ra lựa chọn và phát huy tiềm năng của bản thân, cũng như tăng cường khả năng thích ứng của những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Trong Hội nghị Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995, cộng đồng toàn cầu đã nhất trí thúc đẩy chủ trương tích cực, rõ ràng về lồng ghép quan điểm giới vào tất cả các chính sách và chương trình. Hơn 25 năm sau, chúng ta nhận thấy rằng chưa có nhiều tiến triển trong quá trình hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Vì lý do này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA và các đối tác đang đẩy mạnh nỗ lực đảo ngược chiều hướng đáng lo ngại này để tất cả mọi người được tiếp cận toàn diện tới quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản.
Vì phụ nữ vẫn là những người nằm trong đội ngũ tuyến đầu trong công cuộc chống đại dịch và khủng hoảng khí hậu, cho dù họ là nhân viên y tế, nhà lãnh đạo cộng đồng, người làm giáo dục hay người chăm sóc không được trả lương, nên nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng khả năng chống chịu của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi cộng đồng, ở tất cả các cấp, nhằm chiến đấu chống lại mọi cuộc khủng hoảng và đảm bảo khả năng tiếp cận tới dịch vụ, thông tin về sức khỏe tình dục và sinh sản.
Năm ngoái, khi lũ lụt ảnh hưởng nặng nề tới trại tị nạn Rohingya ở Cox’s Bazar, Bangladesh, nữ hộ sinh Shakila Parvin đã nhanh chóng cung cấp hỗ trợ tại chỗ về dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục.
Ngoài ra, chị cũng hỗ trợ vấn đề sức khỏe tâm thần cho các gia đình, giúp họ an tâm về tình hình sức khỏe và sự an toàn của người mẹ cũng như trẻ sơ sinh sau khi sinh con trong trường hợp khẩn cấp.
Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển năm 1994 đã kêu gọi đưa chủ đề về quyền phụ nữ và sức khỏe sinh sản làm nội dung trọng tâm trong các nỗ lực phát triển kinh tế, chính trị cấp quốc gia và quốc tế.
UNPFA cung ứng đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh Covid-19. (Nguồn: UNFPA) |
Tuy việc đạt được sự tự chủ về thân thể cho tất cả mọi người đóng vai trò thiết yếu, nhưng chỉ có 55% trẻ em gái và phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn hoặc tham gia công đoàn cho biết họ có thể tự ra quyết định về quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản thông qua ra quyết định về chăm sóc sức khỏe, tránh thai và hoạt động tình dục.
Nhằm đảm bảo tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người, điều quan trọng là đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi, như thông qua dịch vụ sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình, tăng cường việc ra quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như thông qua củng cố chính sách, tổ chức, mạng lưới về nữ quyền và thanh niên, qua đó thúc đẩy và bảo đảm những điều trên để xây dựng xã hội có khả năng chống chịu, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, UNFPA, với tư cách cơ quan Liên hợp quốc hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tình dục và sinh sản, đang nỗ lực xây dựng một thế giới trong đó phụ nữ đi đầu công cuộc đảm bảo tương lai bền vững.
UNFPA kêu gọi chính phủ tất cả các nước cùng chung tay và đầu tư nguồn lực để phổ cập sự tiếp cận về quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản cho tất cả mọi người, bằng cách đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu, dịch chuyển và chia sẻ quyền hạn với các nhóm, đối tượng bị loại trừ - đồng thời thúc đẩy cân bằng giới trong quá trình ra quyết định.
| Kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 và tôn vinh đóng góp của cán bộ nữ cho ngành Ngoại giao Ngày 8/3, tại phiên họp giao ban ở trụ sở Bộ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát biểu chúc mừng cán bộ ... |
| Cần tôn trọng, đánh giá cao và đối xử bình đẳng với phụ nữ Theo bà Sujatha Ramachandra, Phu nhân Đại sứ Singapore tại Việt Nam, phụ nữ Việt Nam là những người rất tận tâm và tài giỏi ... |