📞

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20

Bảo Chi 06:06 | 27/04/2024
Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga và đề nghị Nga phối hợp thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tầm vóc mối quan hệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cùng Trưởng SOM, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nga chụp ảnh lưu niệm.

Ngày 26/4, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng Trưởng SOM, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nga tham dự cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20 tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga.

Các nước đã rà soát tình hình hợp tác, đề xuất những định hướng và biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-Nga thời gian tới, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko, Trưởng SOM Nga, nhấn mạnh, Nga coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cam kết phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN ứng phó các thách thức chung trong khu vực.

Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga và đề nghị Nga phối hợp thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tầm vóc mối quan hệ.

Ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, ASEAN và Nga chia sẻ đánh giá dư địa hợp tác hai bên còn rất lớn và nhất trí thời gian tới cần tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu, như hợp tác an ninh, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy bất hợp pháp, kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, an ninh công nghệ thông tin-truyền thông, thành phố thông minh, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân, thanh niên, du lịch, nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh…

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng, bạo lực và xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, ASEAN đề nghị Nga tiếp tục tham gia tích cực, xây dựng, đóng góp hiệu quả, trách nhiệm cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.

Để kỷ niệm 20 năm Nga tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC), Nga cho biết sẽ đề xuất tổ chức một số hoạt động nhân dịp này, tái khẳng định cam kết đối với hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực.

Toàn cảnh cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20 tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga, ngày 26/4.

Thay mặt ASEAN phát biểu về hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối và phát triển tiểu vùng, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, đây luôn là những nội dung ưu tiên của ASEAN trong tổng thể nỗ lực xây dựng Cộng đồng; trông đợi Nga, với những tiềm năng, thế mạnh của mình, thời gian tới sẽ quan tâm và đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực ưu tiên này của ASEAN.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất các định hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác hai bên, trong đó phối hợp thực hiện hiệu quả Sáng kiến IAI và Kế hoạch MPAC 2025, hỗ trợ các quốc gia, vùng miền kém phát triển giải quyết các thách thức chung như phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, cũng như tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, kinh tế xanh và tuần hoàn.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Nga hỗ trợ nỗ lực phát triển tiểu vùng trong ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mekong, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong ASEAN và toàn khu vực.

Chia sẻ các đánh giá tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trông đợi quan hệ giữa các nước lớn, đều là các Đối tác quan trọng của ASEAN, đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh, đóng góp tích cực, xây dựng cho hợp tác khu vực, trên cơ sở tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ trưởng đề nghị Nga ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, cũng như các nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.