📞

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Chuyển đổi số là một trong những chiến lược để doanh nghiệp bứt phá hậu Covid-19

Gia Thành 12:20 | 11/11/2020
TGVN. Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức đã diễn ra sáng 11/11, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020. (Ảnh: Xuân Khoa)

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC Đoàn Duy Khương; Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) Trương Anh Dũng; Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cùng đại diện các cục, vụ chức năng của các bộ, ngành và khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Trử Văn Lâm cho biết, 2020 là một năm bão táp với toàn thể nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, năm 2020, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm tới 5,2% và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Theo ông Trử Văn Lâm, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước, song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng qua là mức thấp nhất trong hơn 10 năm đối với kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Trử Văn Lâm khẳng định rằng, dù mức tăng trưởng còn thấp, còn bộn bề khó khăn để tái thiết và khôi phục kinh tế trong và sau đại dịch, song, những nỗ lực không ngừng nghỉ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong suốt thời gian qua chính là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng rằng những gam màu sáng sẽ tiếp tục sáng lên với bức tranh kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu để khép lại giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, tạo động lực tăng trưởng cho một giai đoạn quan trọng mới.

Theo Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Covid-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi.

"Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị liên quan đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững", ông Trử Văn Lâm nhấn mạnh.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ Trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu. Nhiều dự báo cho rằng, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia.

Năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP, song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế, nhưng đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020. (Ảnh: Xuân Khoa)

Từ khía cạnh quản lý nhà nước, Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Với tầm nhìn này, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tháng 5 năm nay, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tháng 6, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đã được ban hành, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn.

"Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Còn theo Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC Đoàn Duy Khương, trong chính sách đối ngoại kinh tế Việt Nam, có nhiều lý do để phát triển hợp tác với ASEAN. ASEAN là khu vực rộng lớn, dân số 650 triệu dân. Đây là thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu 65 tỷ USD. Hầu hết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chuỗi giá trị gia tăng không phải chỉ hướng đến thị trường nội địa mà còn hướng tới cả khu vực ASEAN.

Trong khi đó, các nước ASEAN có 4 chính sách nòng cốt. Thứ nhất, là đặt ra một tiêu chuẩn, có dữ liệu kinh tế chung trong khối ASEAN.

Thứ hai, đào tạo kỹ năng cho lao động thích nghi với hội nhập khu vực, đặt con người lên hàng đầu.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và phát triển kinh tế, tập trung ứng dụng robot, tự động hoá, AI, ứng dụng fintech, thanh toán điện tử trong ngành ngân hàng.

Thứ 4, là an ninh mạng, trong doanh nghiệp công nghệ, đề phòng cạnh tranh, xung khắc lợi ích, thu thuế…

"Và chuyển đổi số giúp ASEAN phát triển bền vững. Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, đến năm 2030, GDP ASEAN sẽ có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD", ông Đoàn Khương Duy chia sẻ.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận và trao đổi trong hai phiên. Tại phiên tham luận, các diễn giả đã tổng hợp và phân tích chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực và nhân tố trụ cột của chuyển đổi số.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã đưa ra câu chuyện cụ thể của quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau.

Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam là sự kiện chào mừng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại Hà Nội.

Với mục tiêu đặt câu chuyện chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo của Diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.