TIN LIÊN QUAN | |
FED phát tín hiệu nâng lãi suất vào cuối năm | |
Giới quan sát: FED sẽ không thay đổi chính sách lãi suất |
Lo ngại hiệu ứng từ Brexit
Theo biên bản các cuộc họp hôm 26-27/7 của FED được công bố ngày 17/8, một số quan chức nghiêng về khả năng “chờ đợi thêm các dấu hiệu” cho thấy lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên và duy trì ở mức 2% theo như mục tiêu của FED, trong khi một số người khác dự đoán tình hình kinh tế sẽ sớm tạo điều kiện cho đợt tăng lãi suất mới.
Ông Charles Collyns - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), cho rằng: “FED chắc chắn đã sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa. Theo tôi, đó chỉ là vấn đề thời gian”. Nhắc đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm cao trong tháng 7 và các số liệu kinh tế ổn định của Mỹ trong nhiều tuần gần đây, ông Collyns cho rằng việc FED tăng lãi suất sớm trong tháng 9/2016 là hoàn toàn có thể.
Cũng theo ông Collyns, hiện nay FED đánh giá nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với “tốc độ vừa phải” với nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình trên thị trường lao động đang bình thường trở lại. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng FED sẽ vẫn kiên nhẫn với việc tăng lãi suất do lo ngại một loạt nguy cơ toàn cầu, đặc biệt là hiệu ứng lây lan từ Brexit. Biên bản của FED cũng nhấn mạnh cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế và tài chính toàn cầu.
Robert Kahn - nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở Washington D.C, nói rằng FED sẽ tăng lãi suất từ từ do tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn khá chậm, và có thể trong năm nay FED sẽ chỉ tiến hành nhiều nhất là một đợt tăng lãi suất nữa.
Trụ sở FED tại Washington D.C. (Nguồn: Reuters) |
Tâm lý bất ổn
Mặc dù FED khẳng định các quyết định của họ được đưa ra là hoàn toàn độc lập và không liên quan đến chính trị, song tâm lý bất ổn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể sẽ buộc cơ quan này phải trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất.
Trong số 62 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của tờ Wall Street Journal trong tháng 8/2016, đa số cho rằng tâm lý bất ổn trước cuộc bầu cử đã làm tổn hại nền kinh tế Mỹ ở một mức độ nào đó, bởi đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ đã sụt giảm trong 3 quý liên tiếp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người tiêu dùng và các doanh nghiệp không muốn chi tiêu và đầu tư bởi lo ngại chính quyền sắp tới có thể áp đặt nhiều thay đổi lớn về thuế, quy định và các chính sách khác.
Các đề xuất về chính sách của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể sẽ gây thêm nhiều tác động xấu đến kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính, bởi ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), áp mức thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác và thương lượng lại các khoản nợ của Mỹ. Trong khi đó, bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ được cho là có thể sẽ tiếp tục các chính sách hiện nay của chính quyền Tổng thống Obama.
Trong báo cáo mới đây, tổ chức phân tích Moody's Analytics dự đoán rằng nếu các đề xuất kinh tế của ông Trump trở thành hiện thực, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phải trải qua một cuộc suy thoái kéo dài với khoảng gần 3,5 triệu người Mỹ bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 7%.
Người dân Mỹ lo ngại chính quyền sắp tới có thể áp đặt nhiều thay đổi lớn về thuế, quy định và các chính sách khác. (Nguồn: Forexwot) |
Đợi đến tháng 12/2016?
Ông Charles Collyns nói: “FED là cơ quan không liên quan đến chính trị, và các quyết định của họ chắc chắn sẽ không bị tác động theo hướng có lợi cho một ứng cử viên nào đó. Tuy nhiên, nếu FED cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những bất ổn lớn trên thị trường, thì đó có thể là một nhân tố khiến cơ quan này trì hoãn tăng lãi suất cho đến khi cuộc bầu cử hoàn tất vào tháng 12/2016”.
FED sẽ tổ chức hai cuộc họp bàn về chính sách trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 8/11 tới. Cuộc họp về chính sách tiếp theo sau khi bầu cử hoàn tất theo kế hoạch được tổ chức vào ngày 13-14/12. Khoảng 71% trong số 62 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal cho rằng FED sẽ đợi đến tháng 12/2016 mới đưa ra quyết định tăng lãi suất.
Tháng 12/2015, FED đã quyết định nâng lãi suất sau gần một thập kỷ. Tuy nhiên, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2016 và các nguy cơ tài chính khác đã khiến các nhà hoạch định chính sách của FED tỏ ra thận trọng và trì hoãn các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
FED không vội tăng lãi suất sau Brexit Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tăng lãi suất cơ bản cho tới khi có đánh giá chính xác về tác động ... |
Ngân hàng Mỹ chuẩn bị đối phó với suy giảm kinh tế mạnh Toàn bộ 33 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đều vượt qua giai đoạn 1 của bài sát hạch năng lực thường niên của Ngân ... |
Việc tăng lãi suất của FED có thể dời đến tháng Chín Việc thị trường lao động Mỹ chuyển hướng xấu và lạm phát yếu đã đẩy vấn đề tăng lãi suất khỏi chương trình nghị sự ... |