Nhỏ Bình thường Lớn

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: 'Ngoại giao vaccine' là mũi nhọn rất quan trọng!

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, triển khai “ngoại giao vaccine” là quyết sách cần thiết trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Không có cuộc làm việc nào lãnh đạo ta không đề cập đến hợp tác vaccine Covid-19!
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: 'Ngoại giao vaccine' là mũi nhọn rất quan trọng! (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chiều 7/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 và những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm các nguồn vaccine chống dịch.

“Ngoại giao vaccine” là mũi nhọn

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn kiểm soát dịch tốt, là nước đông dân thứ 15 thế giới nhưng nằm trong 10 nước có tỉ lệ ca mắc, tử vong trên 1 triệu dân thấp nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống dịch ở nước ta vẫn còn rất phức tạp, nhất là với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này có quy mô lớn hơn, đa nguồn, đa chủng, với biến chủng Delta có thể lây lan qua không khí với tốc độ nhanh.

Để chống đại dịch này, vấn đề tiếp cận và tiêm chủng vaccine là giải pháp rất quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, ngay sau khi dịch bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã sớm dự báo và có những chỉ đạo về tổng thể công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine, bao gồm 3 nội dung: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; và Sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân.

“Trong chiến lược vaccine này, 'ngoại giao vaccine' là một mũi nhọn rất quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong tình hình thiếu hụt vaccine và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu như hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

"Ngoại giao vaccine' thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho nhân dân, đồng thời đóng góp chung cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu" (Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ)

Trong thời gian vừa qua, chiến lược vaccine và “ngoại giao vaccine” đã được triển khai một cách hết sức bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia hết sức quyết liệt, thông qua ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, kể cả các hình thức điện đàm, viết thư cho lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận nguồn vaccine.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt các bộ, ngành trong đó có Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

“Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà không đề cập việc hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, cho đến nay, việc việc triển khai “ngoại giao vaccine” đã mang lại một số kết quả tích cực.

Cụ thể, thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã tiếp nhận 2,6 triệu liều vaccine. COVAX cũng cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo, đồng thời chuyển ngay cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX ngay trong ngày 10/7 tới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều vaccine và có thể sẽ tiếp tục viện trợ thêm.

Nhật Bản đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine, trong đó 1 triệu liều chuyển đến Hà Nội ngày 16/6, 400.000 liều đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/7 và số còn lại sẽ đến Việt Nam trong tuần tới.

Nga cũng đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine và đồng ý cung cấp tối đa 20 triệu liều vaccine Spunik trong năm 2021, đồng thời hợp tác với công ty VABIOTECH của Việt Nam để đóng gói, chuyển giao công nghệ vaccine từ tháng 7/2021.

Trong khi đó, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vaccine trong tổng số 80 triệu liều cam kết viện trợ các nước qua cơ chế COVAX.

Ngoài ra, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ và một số nước khác cũng đã có những cam kết cụ thể với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia hết sức tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có giải pháp về vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và khan hiếm vaccine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới tối ngày 6/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ hạnh phúc nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển.

Không những thế, Việt Nam còn đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu, được thế giới đánh giá cao.

Covid-19: Hơn 97.000 liều vaccine của Pfizer/BioNtech đầu tiên đã về Việt Nam

Covid-19: Hơn 97.000 liều vaccine của Pfizer/BioNtech đầu tiên đã về Việt Nam

“Có thể nói là trong tình trạng khan hiếm hết sức trầm trọng nguồn cung vaccine trên tầm toàn cầu, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành chức năng, sự vào cuộc hết sức tích cực và quyết liệt của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc tiếp cận nguồn vaccine, bảo đảm nhanh nhất và nhiều nhất có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

“Đây là một biện pháp hết sức quan trọng để vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân nhưng đồng thời về lâu dài tạo nên nền tảng để chúng ta có thể mở cửa nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước”.

Tăng tốc và quyết liệt hơn nữa

Nói về công tác vận động để có thêm các nguồn vaccine từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm thực hiện thành công chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, từ nay đến tháng 9/2021 tình hình khan hiếm vaccine sẽ diễn ra hết sức nghiêm trọng do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu, đứt gẫy chuỗi sản xuất và sự tích trữ quá mức của các nước phát triển.

“Chính vì thế mà Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu là cần phải tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai một cách hiệu quả hơn, quyết liệt hơn "ngoại giao vaccine" trong thời gian tới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, "ngoại giao vaccine" sẽ tập trung vào 3 hướng chính:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế trong việc bảo đảm đôn đốc, đeo bám triển khai cam kết mà chúng ta đã ký với các đối tác 150 triệu liều vaccine để bảo đảm cung cấp cho 70% người dân Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp các nguồn vaccine cho Việt Nam. Nguồn vaccine có thời hạn sử dụng và một số nước tích trữ vaccine lớn hơn nhu cầu trong nước, do đó, có nguồn vaccine dôi dư để Việt Nam có thể tiếp cận.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng và tích cực hơn nữa trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất vaccine lâu dài.

Đây là giải pháp cơ bản để bảo đảm có được nguồn cung vaccine lâu dài và ổn định cho người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất vaccine ở trong nước.

Covid-19 ở Việt Nam tối 7/7: Thêm 330 ca mắc mới; TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội 15 ngày; Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người

Covid-19 ở Việt Nam tối 7/7: Thêm 330 ca mắc mới; TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội 15 ngày; Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người

Bản tin dịch Covid-19 tối 7/7 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 330 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca trong ngày ...

Covid-19: Hơn 97.000 liều vaccine của Pfizer/BioNtech đầu tiên đã về Việt Nam

Covid-19: Hơn 97.000 liều vaccine của Pfizer/BioNtech đầu tiên đã về Việt Nam

Sáng ngày 7/7 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, TS Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ ...